00:00 Số lượt truy cập: 3228876

Dịch vụ sân phơi lúa hái ra tiền 

Được đăng : 03/11/2016

Từ những ngày khó khăn phải chạy đôn chạy đáo tìm lò sấy lúa hột trong mùa mưa mà một nông dân ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đầu tư làm sân phơi lúa lớn. Không ngờ cách làm này đã giúp cho gia đình, hộ dân ở địa phương có thu nhập ổn định từ một nghề dịch vụ mới - làm sân phơi cho thuê.


Đó là trường hợp của chị Trần Thị Mai (ở ấp Phước Yên B, xã Phú Quới, huyện Long Hồ). Chị là người khởi xướng phong trào lập sân phơi lúa ở đây. Chị Mai kể: Vào những năm đầu 1990, chị chuyên mua lúa hột chà gạo bán cho bạn hàng. Lúc đầu chỉ có ý định lập sân phơi phơi lúa nhà. Dần dà về sau thấy bạn hàng hỏi thuê sân phơi lúa. Thế là năm 2004, chị quyết định bỏ ra 60 triệu đồng thuê đốn 2 công vườn trồng nhãn kém hiệu quả nằm ven kênh Bô-Kê, đắp bờ bao xung quanh, bơm cát làm sân cho thuê phơi lúa với công suất 15 tấn lúa/mẻ.

Sân phơi của chị không xây sân gạch hay sân xi măng mà là sân cát. Nền cát có chiều dày từ 0,5-1m. Cát san phẳng trải lớp lưới mùng lên, đổ lúa vào là phơi. Khi chiều đến hoặc trời sắp đổ mưa thì cào lúa lên thành giồng như giồng khoai để che đậy. Làm sân kiểu này, nếu lỡ lúa phơi có bị mắc mưa thì nước mưa chỉ chảy xuống nền cát, không bị nước đọng lại như sân xi măng và gom lúa hột nhanh hơn vì không tốn công quét gom lúa. Sau khi lúa được gom thành giồng, vô bao, phần lớp lúa mỏng còn lại trên mặt lưới thì chỉ cần túm lưới mùng lại là trút lúa vô bao, vô thúng.

Thành công đến với chị hơn mong đợi, khi sân lúa vừa mở ra thì thời gian sau bạn hàng đăng ký thuê nườm nượp. Năm sau chị nâng “công suất” lên 80 tấn. Cũng từ khi đó, chị bỏ luôn nghề đi mua lúa, chỉ ở nhà trông coi sân phơi, nhờ vậy mà đỡ cực hơn trước nhiều, thu nhập lại cao. Hễ lúa xuống ghe bạn hàng là họ trả tiền ngay. Tiền thu cho thuê sân là 100.000 đ/tấn lúa, trừ chi phí thuê nhân công bốc vác, phơi lúa là 74.000 đ/tấn, chị còn lời 26.000 đ/tấn. Đầu tư một năm là hoàn vốn. Các năm sau đó chỉ chi các khoản phí thường xuyên như mua lưới mùng lót sân, bạt nilon đậy lúa… còn lại lãi ròng.

Thấy chị Mai làm ăn được mà bạn hàng còn cần nhiều sân phơi nên nhiều hộ bắt chước làm theo. Khởi đầu chỉ có vài sân phơi, đến nay đã có hơn chục hộ tham gia xóm nghề nằm san sát nhau trải dài trên 200m bên bờ kênh Bô-Kê, tuyến đường thủy nội địa có lượng ghe tàu nhộn nhịp nhất ở Vĩnh Long. Phong trào lập sân phơi lúa không những ở trong ấp mà còn xuất hiện ở các ấp, xã lân cận như ấp Phú Thạnh, xã Phú Thịnh (huyện Tam Bình), xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn), xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình).

 Ấp Phước Yên B ngẫu nhiên trở thành xóm nghề làm sân phơi lúa. “Chúng tôi tự đầu tư, tự xoay xở và cũng chẳng quảng bá gì mà ngày ngày các thương lái từ Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre… chở lúa đi qua tuyến kênh này đều tấp vào đây đặt sân thuê phơi lúa. Vào mùa thu hoạch rộ như vụ lúa đông xuân hiện nay không đủ sân cho thuê, bạn hàng phải điện thoại đăng ký trước vài tuần để chủ sân xếp lượt. Hàng ngày, xóm nghề chúng tôi đóng hàng chục ghe lúa chở đầy ắp lúa cập bến kín bờ kênh”, chị Mai tự hào nói.

Các sân phơi kiểu này không những giảm áp lực phơi lúa vào mùa thu hoạch rộ khi các lò sấy không đáp ứng kịp mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Theo tính toán của chị Mai, thời gian phơi một mẻ 80 tấn mất 3 ngày (trong mùa khô) và 4-5 ngày trong mùa mưa, thuê 10 nhân công bốc vác, phơi lúa chi phí gần 6 triệu đồng (74.000 đ/tấn), như vậy vào mùa lúa, mỗi ngày mỗi nhân công có thu nhập không dưới 200 ngàn đồng.

Chị Mai cho biết thêm, sở dĩ bạn hàng thích thuê sân phơi vì chà (xát) nặng gạo hơn lúa sấy. Chị so sánh: 1 giạ lúa (20kg) phơi sân phơi chà còn 14 kg gạo, còn sấy ở lò sấy chà chỉ còn 13,8 kg gạo. Chênh lệch 1 kg không bao nhiêu nhưng nhiều tấn sẽ tăng tiền đáng kể. Anh Nguyễn Hoàng Hiếu ở ấp Phú Hòa, xã Phú Thịnh (huyện Tam Bình) là thương lái mua lúa chà gạo bán và đã 4 năm thuê sân phơi của chị Mai cho rằng: “Lúa phơi sân nắng tự nhiên chà gạo ít hao hơn lúa sấy, gạo ra tỉ lệ tấm ít hơn. 16 tấn lúa tôi thuê sân phơi chà ra 25-30 kg tấm, còn sấy ở lò sấy lượng tấm ra tới 50-100 kg. Từ đó, gạo chà ra bán cao giá hơn từ 30-40 đ/kg”.

Những ngày này, đi về ấp Phước Yên sẽ thấy cảnh nhộn nhịp làm ăn, trên bờ các sân phơi đều đầy ắp lúa vàng, dưới kênh Bô-Kê tấp nập ghe lúa cập bến lên xuống hàng. Xóm nông thôn hẻo lánh nay đổi mới.