Nói đến Điện Biên nhiều người nghĩ ngay đến một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc tổ quốc. Tỉnh có 21 dân tộc sinh sống trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 42,2%, tiếp đến là dân tộc H’Mông chiếm 27,2%, dân tộc Kinh chiếm 19%, dân tộc Khơ Mú 3,9%, còn lại là các dân tộc khác như Dao, Hà Nhì, Hoa, Kháng, La Hủ.... Với 491.046 nhân khẩu, toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã và thành phố, tổng diện tích tự nhiên trên 9.554 km2. Trong những năm qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển sâu tới các thôn bản, thực sự tạo bước chuyển đổi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các mô hình sản xuất kinh doanh và các hộ dân.
Với cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư kết hợp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực tại địa phương, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định và phát triển góp phần tích cực cho việc xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi nhận thức, đầu tư khai thác tiềm năng, lao động, đất đai, tiền vốn đầu tư vào sản xuất mở rộng các ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm hàng hóa phát huy lợi thế của địa phương nhiều mô hình phát triển đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng hiệu quả trong sử dụng đất đai, các hộ đã đưa giống mới, đầu tư máy móc, phân bón không ngừng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Cơ cấu vật nuôi cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực nông dân lựa chọn con giống có năng suất và hiệu quả vào chăn nuôi, gắn giữa sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi nhằm khai thác tận dụng sản phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm đầu ra ngày càng hiệu quả điển hình như hộ ông Khoàng Văn Phánh, dân tộc Thái ở Bản Mường Nhé, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé gia đình ông trồng thâm canh 1.800m2 lúa nước + 4000m2 lúa nương, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm theo hướng tập trung đã cho thu nhập 150 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Hộ ông Lò Văn Biến là người dân tộc Thái ở đội 7 xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên với mô hình thâm canh 6.000m2 lúa 2 vụ, 3.000m2 ngô, nuôi lợn, nuôi vịt và thả cá kết hợp với làm dịch vụ vật liệu xây dựng, nhờ chịu khó làm ăn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt nên sau khi trừ chi phí gia đình còn tích lũy 60 triệu đồng/năm. Hay ở Bản Lịch, xã Xá Nhé, huyện Tủa Chùa với mô hình VACR của gia đình anh Tẩn Chang Củi, dân tộc Dao trên diện tích 4.000m2 lúa 2 vụ, 2 ha ngô và nhận khoanh nuôi bảo vệ 2 ha rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm sau khi trừ các chi phí gia đình thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Trong lâm nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực, nông dân đã gắn tiềm năng kinh tế rừng vào phát triển sản xuất, nhiều hộ nhận đất khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng mới. Nhờ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước các hộ đã phát triển kinh tế rừng bằng mô hình kinh tế trang trại, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc, nhiều hộ đã có quy mô trang trại vườn rừng với diện tích hàng chục ha, đầu tư chăn nuôi đàn gia súc số lượng trên 100 con trâu, bò như xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé .... Nhiều hộ dựa vào lợi thế của rừng, làm kinh tế từ rừng, tận dụng nguồn nước khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, đắp đập, đào ao thả cá, xóa bỏ tập quán du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy, chuyển sang sản xuất kinh doanh, giải phóng được sức lao động mang lại hiệu quả thiết thực cho gia đình, nâng cao vai trò tự chủ, tự quản lý kinh doanh và khai thác tiềm năng kinh tế rừng thoát cảnh đói nghèo vươn lên trở thành hộ giàu như hộ ông Giàng A Lầu 29 tuổi, dân tộc Mông ở bản Huổi Nôm, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo. Gia đình ông đã khoanh nuôi bảo vệ 10 ha rừng, nuôi 26 con trâu bò, hàng năm tạo công ăn việc làm cho 4 lao động trong bản thu nhập của gia đình tích lũy được trên 70 triệu đồng/năm; Hộ ông Lò Văn Tính, dân tộc Thái ở bản Toọng, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng phát triển mô hình VACR. Gia đình ông đã nhận khoanh nuôi bảo vệ 11 ha rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn rừng, hươu sao kết hợp nuôi cá thương phẩm mỗi năm thu nhập của gia đình ông trên 50 triệu đồng, ngoài ra ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động có trhu nhập ổn định trên 2 triệu đồng/tháng ...
Không chỉ nhiều mô hình phát triển kinh tế ở nông nghiệp và lâm nghiệp mà trong ngư nghiệp cũng có nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Diện tích và sản lượng thủy sản của tỉnh Điện Biên ngày càng tăng, tính đến nay có 1.874 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 1.081 tấn/năm. Nông dân tận dụng nguồn nước từ các khe suối, mặt hồ, đầm lầy để đầu tư vốn vào đào ao thả cá, tận dụng đồi núi trọc trồng sắn tạo nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản, lựa chọn các giống có năng suất cao đưa vào nuôi trồng. Trong các hộ nông dân sản xuất giỏi biết kết hợp hài hòa lâm nghiệp, ngư nghiệp gắn với bảo vệ rừng tạo nguồn nước, mở rộng diện tích ao hồ thả cá, đây là bước đột phá mới trong mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Vàng A Sử, dân tộc Mông ở bản Nà Phen II, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, gia đình ông có 5 lao động với mô hình phát triển VAC ông đã đầu tư đắp khe suối làm 9 ao cá với diện tích 5 ha, trồng sắn trên đồi làm thức ăn cho cá, mỗi năm bán ra thị trường 5 tấn cá thịt, kết hợp chăn nuôi gia súc. Thu nhập của gia đình ông sau khi trừ chi phí còn tích lũy 200 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Xuân Tiến, dân tộc kinh ở Bản Co Củ, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ sau khi trừ tất cả các chi phí gia đình ông còn tích lũy được 150 triệu đồng/năm từ phát triển mô hình chăn nuôi thủy sản trên diện tích 4,5 ha kết hợp với trồng cây ăn quả và cây công nghiệp trên diện tích 16 ha.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo cho nông dân có bước nhận thức đúng và nhạy cảm với cơ chế thị trường, dịch vụ tổng hợp đang từng bước giữ vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản, phục vụ sản xuất và đời sống của nông dân, dịch vụ của các hộ nông dân ngày càng phát triển đa dạng với nhiều hình thức như dịch vụ bao tiêu nông sản, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ cung cấp cây, con giống, dịch vụ hàng tiêu dùng phục vụ đời sống .... nhiều hộ nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường đã mạnh dạn đầu tư tiền vốn mở rộng dịch vụ thu mua và chế biến nông sản tạo ra sản phẩm hàng hóa hiệu quả cao. Một số chi hội nông dân đã liên kết thành tổ hợp tác đầu tư góp vốn tạo vườn ươm cung cấp cây giống thành lập nhóm nghề truyền thống tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ gia đình điển hình như hộ ông Lờ A Thị, dân tộc Mông ở phố Đoàn Kết, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa. Gia đành ông đã đầu tư tiền vốn mua ô tô tải, máy ủi, máy súc, làm dịch vụ đào ao, san ủi mặt bằng làm ruộng và làm đường dân sinh, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương, gia đình ông còn làm tốt công tác vận động bà con trong xóm, bản không mắc các tệ nạn xã hội, không di cư tự do, mỗi năm sau khi trừ các chi phí thu nhập của gia đình ông trên 100 triệu đồng; Hộ ông Lò Văn Pâng, dân tộc Thái ở bản Tà Cáng 1, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên mở xưởng chế biến bột dong giềng, cung cấp giống có năng suất cao cho bà con trong xã, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch để chế biến bột và làm miến kết hợp với trồng cà phê, thu nhập của gia đình ông đạt 220 triệu đồng/năm; Hay hộ ông Phùng Bá Năm, dân tộc kinh ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng mở dịch vụ thu mua nông sản kết hợp với trồng cây công nghiệp và chăn nuôi thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã thực sự thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và ngành nghề góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn của tỉnh Điện Biên.