00:00 Số lượt truy cập: 2638162

Điện chập chờn, thanh long... không trái 

Được đăng : 03/11/2016

Hàng ngàn hộ dân trồng thanh long ở Bình Thuận đang dở khóc dở mếu vì thanh long chong đèn cho ra hoa trái vụ bị thất bại, do ngành điện thực hiện việc cúp điện luân phiên theo phương án: hai đêm có, một đêm cúp.


Điều đáng nói, sau thời điểm phải cắt giảm toàn bộ điện chong đèn thanh long để phục vụ Tết Nguyên đán, đến nay nhu cầu điện phục vụ thắp sáng cho thanh long ra hoa trái vụ đối với hàng ngàn hộ dân ở vùng thanh long trọng điểm Bình Thuận vẫn chưa được đáp ứng.

Lỗ nặng

Bà Nguyễn Thị Lập (Phong Phú, Hàm Mỹ) cho biết vườn thanh long của gia đình có hơn 1.000 trụ (khoảng 1ha), vụ này xem như... mất đứt vài chục triệu đồng tiền điện chong đèn, công cán, phân thuốc... vì thanh long chỉ ra hoa lác đác. “Nếu so với các vụ trái mùa những năm trước, sản lượng đợt này cao lắm chỉ bằng phân nửa” - bà Lập rầu rĩ nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng thiệt hại

Tại thời điểm này, nguồn cung thanh long đang bị khan hiếm do ảnh hưởng lịch cúp điện dịp tết vừa rồi. Vì thế thương lái phải lùng sục vào các vườn, thu mua thanh long với giá 16.000-17.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho nhà xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thuận - chủ nhiệm HTX thanh long Hàm Minh - cho biết mấy ngày trước đơn vị phải xin lỗi một đối tác vì không đủ số lượng 15 tấn thanh long để xuất ra nước ngoài. “Nếu tình trạng phân phối điện như thế này tiếp tục kéo dài, không chỉ nông dân, cả doanh nghiệp cũng khó trụ nổi với nghề” - ông Thuận lo lắng.

Người láng giềng của bà Lập, ông Võ Ngọc Đức cũng trong tình cảnh tương tự. Từ cuối tháng 2, ông Đức bắt tay vào vụ bằng cách chong đèn kích thích nhưng vì điện đóm chập chờn nên rốt cuộc vườn thanh long gần 2ha vẫn... “trơ trơ” không có một bông. Theo ông Đức, nếu có đủ điện để chong cho thanh long như những mùa trước đây, với giá bình quân 9.000-10.000 đồng/kg, nông dân có thể lãi 20-25 triệu đồng/ha.

“Thủ phủ” thanh long thứ hai của Bình Thuận là huyện Hàm Thuận Bắc cũng đang thất vụ do thiếu điện chong đèn. Ông Trần Văn Từ (Hàm Liêm) cho biết theo quy trình canh tác, thanh long phải được chong đèn liên tục 17-20 đêm (mỗi đêm 7-8 giờ) mới ra hoa. Nhưng tình trạng điện chập chờn vài tháng qua đã khiến thanh long cũng chập chờn theo.

Ông Đinh Văn Cường ở thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam - người trồng thanh long gần 20 năm - cho biết tình trạng cúp điện tùy tiện ở địa phương ông bắt đầu “rộ lên” từ mùa điện năm 2008 và đến nay không hề giảm. “Họ cúp điện không theo lịch trình nào cả, có khi tuần cúp từ thứ tư tới thứ bảy, có tuần cúp mỗi đêm 2-3 giờ” - ông Cường bức xúc.

Ngành điện không theo kịp sản xuất

Chiều 24-3, ông Phạm Minh Tuấn - phó giám đốc Điện lực Bình Thuận - thừa nhận việc cắt giảm điện là có thật. Bởi theo ông Tuấn, từ năm 2006 đến nay diện tích cây thanh long tại hai huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết tăng rất nhanh, chưa kể huyện Hàm Tân, nên phụ tải điện cho loại cây trồng này cũng tăng mạnh, làm quá tải các trạm biến áp đầu nguồn.

Theo thống kê của Điện lực Bình Thuận, nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất toàn tỉnh khoảng 200MW, riêng điện phục vụ cho thanh long chiếm đến 135MW, trong khi đó ngành điện chỉ đáp ứng khoảng 160MW. Cũng theo ông Tuấn, nếu ba dự án đường dây truyền tải điện 110kV Đại Ninh - Phan Rí, 110kV Xuân Trường - Đức Linh, 220kV Hàm Thuận - Phan Thiết (được Tập đoàn Điện lực VN khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2007) không chậm tiến độ có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện cho thanh long như hiện nay.

Hiện ngành điện đã phối hợp với các ngành chức năng ở Bình Thuận tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long. Và một giải pháp tiết kiệm điện đang được đánh giá có tính khả thi cao là dùng bóng đèn compact thay thế bóng đèn tròn dây tóc. Theo kế hoạch, đề án về giải pháp tiết kiệm điện này sẽ được Hội Nông dân phối hợp với Sở Công thương Bình Thuận thực hiện nay mai.