00:00 Số lượt truy cập: 3228959

Diễn đàn “Phát triển cây ca cao bền vững ở Việt Nam 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 26/5, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ lần thứ 6-2007, với chuyên đề: Phát triển cây ca cao bền vững ở Việt Nam.


Đến dự có đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở NN&PTNT cùng với nông dân trồng ca cao của 21 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên; các nhà khoa học thuộc các Viện, trường tại Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp ngoài nước đang thu mua hạt ca cao ở Việt Nam.

Các đại biểu tham gia diễn đàn đều có chung nhận xét ca cao có thể cùng với cây cà phê cạnh tranh với các nước trên thế giới. Nhận thức được điều này, năm 2005, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban điều phối ca cao Việt Nam. Lúc đó, cả nước chỉ có vài trăm ha ca cao nhưng năm sau 2006, diện tích ca cao đã phát triển hơn 7.300 ha, trong đó có 966 ha cho trái, năng suất bình quân 80 tạ/ha. Riêng tại Bến Tre, đến nay đã có khoảng 2.000 ha ca cao, trong đó diện tích cho trái trên 300 ha, năng suất bình quân 1 tấn hạt khô/ha, được Công ty TNHH Cargill Việt Nam thu mua, đánh giá chất lượng hạt hơn ca cao Malaixia và bằng với ca cao của nước Bờ Biển Ngà. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển diện tích ca cao lên 20.000 ha vào năm 2010 và 100.000ha vào năm 2020, trong đó Bến Tre đã có đề án đưa diện tích ca cao lên 10.000 ha vào năm 2010.

Nhiều đại biểu cho rằng phát triển diện tích ca cao lên 100.000 ha không khó nhưng làm sao để phát triển bền vững...mới khó, vì hiện nay người nông dân trồng ca cao ở một số tỉnh còn phải tự thân tìm nơi tiêu thụ. Đối với ĐBSCL, diện tích trồng ca cao có thể phát triển lên 20.000 đến 25.000 ha, vấn đề là đầu ra ? Đến nay cả khu vực này chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ca cao, mà mới có đại diện của các công ty nước ngoài như: Công ty TNHH ca cao ED & FMan Việt Nam (Anh); Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Mỹ); Mitsubishi (Nhật )... đặt trạm thu mua hạt khô. Bà Trần Thị Luận, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre trấn an người trồng ca cao: “ Việc các doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ca cao, vì hiện tại diện tích ca cao cho trái còn ít, sản lượng nhỏ bé. Nếu sản lượng trên 10.000 tấn/năm thì mới có thể xây dựng nhà máy chế biến được...”. Ông Nguyễn Vĩnh Thành, đại diện Công ty TNHH Cargill Việt Nam quả quyết: “ Với sản lượng hiện nay, một mình Cargill có thể mua hết ca cao của Việt Nam”.

Diễn đàn đã tạo thêm niềm tin cho người trồng ca cao trong nước, vì Bộ NN&PTNT đã công khai kế hoạch phát triển cây ca cao từ nay đến 2020; các nhà khoa học sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp kỹ thuật trồng, chăm sóc và sơ chế sau thu hoạch; các doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm; nông dân ta cần cù, chịu khó, nhạy bén với cây trồng mới. Đặc biệt là vài ba năm nay giá ca cao luôn ổn định ở mức cao, từ 28 – 30.000đ/kg. Đó là những yếu tố cơ bản để cây ca cao phát triển bền vững.