Việc thu mua tạm trữ theo Quyết định số 311/QĐ-TTG ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ có tác động tich cực trong duy trì giá lúa bao để bảo đảm người nông dân được lãi 30% khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Tuy nhiên do ăn tết nên đến 20/2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới triển khai, lúc đó tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch được 62% (129.568 ha) diện tích xuống giống, đến 1/3 tức là lúc các doanh nghiệp bắt đầu thu mua, thì diện tích thu hoạch đã lên đến 88% (184.046 ha). Phần lớn nông dân không hưởng lợi từ chủ trương tạm trữ của chính phủ vì các doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo trong khi nông dân lại bán lúa.. Bên cạnh đó việc phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp không công khai minh bạch, Sở Công thương không nắm được chỉ tiêu thu mua tạm trữ của các doanh nghiệp do VFA phân bổ. Theo Sở Công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh đã mua 86.444 tấn gạo đạt 117 % chỉ tiêu (74.000 tấn) trong khi doanh nghiệp ngoài tỉnh chỉ mua được 99.625 đạt 66% chỉ tiêu.
Đại diện VFA cho biết việc thu mua tạm trữ là gánh nặng cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vì thường không có lời, khi giá lúa xuống thấp doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Đồng Tháp kiến nghị việc thu mua tạm trữ phải căn cứ tình hình thực tế xuống giống của từng tỉnh. Đồng Tháp và An Giang là 2 tỉnh đầu nguồn xuống giống sớm cần được phân bổ chỉ tiêu sớm. Ngoài ra việc phân bổ chi tiêu này cần ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia chương trình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng vùng nguyên liệu để mua lúa trực tiếp của nông dân. Băn khoăn lớn nhất của Đồng Tháp là Hè thu đang bắt đầu thu hoạch, đề nghị Đoàn kiểm tra đề xuất Chính phủ sớm có chủ trương thu mua tạm trữ vụ Hè thu 2013.