Đẩy nhanh tốc độ đầu tư cho nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam là nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông nhưng thời gian qua, các sản phẩm từ nông nghiệp như: tôm, cá da trơn, trái cây, càphê, điều, cao su liên tục bị rớt giá và gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 4,7 tỷ USD. Đáng chú ý là trong số 13 mặt hàng chủ lực thì kim ngạch xuất khẩu của 12 mặt hàng đều giảm từ 10-20%, như điện tử và linh kiện máy tính, giày dép, than đá, thủy sản, cà phê, nhân điều, sản phẩm chất dẻo... Chỉ có duy nhất mặt hàng gạo là có kim ngạch xuất khẩu tăng. Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 1,742 triệu tấn, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của các chuyên gia, để khắc phục khó khăn này cần tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trong công cuộc chống suy giảm kinh tế hiện nay, đẩy nhanh tốc độ đầu tư cho nông - lâm - thủy sản càng nhiều, sẽ rút ngắn thời gian suy giảm kinh tế càng nhanh. Hỗ trợ DN chủ động tìm thị trường Xuất khẩu khó khăn đã khiến các DN nóng lòng, hối thúc Bộ Công Thương xúc tiến mạnh mẽ hơn các hoạt động tiếp thị, tìm kiếm các thị trường mới. Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thay đổi một số hoạt động về xúc tiến thương mại mang tính đột phá. Thứ nhất, DN chủ động tìm thị trường, sau đó trình Chính phủ để nhận được kinh phí hỗ trợ. Thứ hai, hỗ trợ DN đưa các đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam để mua hàng thay vì DN phải đi ra nước ngoài. Thứ ba, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng tổ chức hội chợ chuyên ngành, đặc thù như: điều, càphê, tiêu, đồ gỗ tại Việt Nam. Thứ tư, hỗ trợ cho việc quảng bá để mời các DN nước ngoài tham gia các sự kiện trong và ngoài Việt Nam. Thứ năm, có những chương trình xúc tiến thương mại nội địa để tăng kích cầu tiêu dùng, đầu tư trong nước để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh giao thương ngay tại thị trường trong nước. Thứ sáu, đề xuất kinh phí cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối tìm kênh phân phối, tìm các đối tác, bạn hàng cho DN Việt Nam. Về kinh phí xúc tiến thương mại cho năm 2009, Chính phủ cũng đồng ý chi 172 tỷ đồng. Ngoài ra, để DN có thể bán hàng trong nước, Cục Xúc tiến thương mại xây dựng chương trình xúc tiến thương mại nội địa để cho người tiêu dùng trong nước hiểu, yêu rồi mua hàng Việt Nam. Làm gì để chiếm lĩnh thị trường nội địa? Trong điều kiện thu nhập người dân bị sụt giảm, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm chi tiêu và có xu hướng tìm mua hàng giá rẻ. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc rà soát lại quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ nhằm hạ giá thành sản phẩm, DN cần coi trọng thị trường nông thôn; lựa chọn chiến lược ưu tiên phát triển sản phẩm hướng đến từng đối tượng khách hàng, tổ chức thị trường đúng hướng phù hợp với năng lực, lợi thế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều chính sách ủng hộ nông dân và người có thu nhập thấp mua nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu trong sản xuất. Gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ với cơ chế hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm máy móc, vật liệu xây dựng đang được hy vọng sẽ tạo ra thị trường đầu tư và kinh doanh mới cho các DN. Vì vậy, DN cần nắm bắt cơ hội để tổ chức kinh doanh, khai thác các sản phẩm sản xuất trong nước, tránh kích cầu cho hàng nước ngoài. Có như thế, hàng nội sẽ từng bước khẳng định vị trí trên “sân nhà”. ông Rick Elliott, Giám đốc Công ty LifeLine nhận xét: “Việt Nam là đất nước có mật độ dân số trẻ và đông, đó là lực lượng khách hàng tiềm năng, họ sẽ có gia đình và cần sử dụng nhiều hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam không còn phụ thuộc vào xuất khẩu”. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) nhận xét, hiện nay do nhận thức của DN về vai trò của thị trường nội địa chưa đầy đủ nên họ không quan tâm đến việc tổ chức kinh doanh theo một chiến lược dài hạn mà thường kinh doanh theo kiểu khai thác những cơ hội trước mắt. 10 năm đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là thời gian đủ dài để DN Việt Nam có thể phát triển hệ thống phân phối nhưng đến nay chỉ có Saigon Co.op Mart thực hiện tốt lộ trình mở rộng hệ thống kinh doanh của mình. “Trên thị trường, muốn chiến thắng phải thu hút được người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Muốn vậy, ngoài chất lượng hàng hóa, DN phải có mạng lưới bán hàng, tổ chức kênh lưu thông ổn định”, ông Tuyển nói. |