Sau 4 ngày thi (từ ngày 24 - 27/9/2012), tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Hội thi máy gặt đập liên hợp lúa các tỉnh phía Bắc năm 2012 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức đã lựa chọn được loại máy gặt đập hoạt động tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc để trao giải.
Hội thi có 08 đơn vị trong nước tham gia bao gồm các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Hợp tác xã và các cá nhân đang ngày đêm miệt mài, sáng tạo để có các mẫu máy gặt đập liên hợp với nhiều kiểu dáng, quy mô công suất và tính năng hoạt động khác nhau. Hội thi đã thu hút gần 600 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan khuyến nông các cấp từ Trung ương đến cơ sở; các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương cùng đông đảo bà con nông dân của các quận, huyện, thị của thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố phía Bắc về tham dự.
BTC trao kỷ niệm chương cho các đơn vị có máy gặt đập liên hợp tham gia hội thi
Nội dung của hội thi gồm:
1. Kiểm tra, đánh giá các tính năng, tác dụng và hiệu quả hoạt động thực tế của các mẫu máy.
2. Trình diễn hoạt động thực tế của các mẫu máy trên đồng ruộng làm cơ sở xác định các mẫu máy có nhiều ưu điểm nổi trội nhất để tôn vinh, khen thưởng.
3. Tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có mẫu máy đạt giải tại hội thi.
Sáng ngày 27/9, các thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký căn cứ vào các chỉ tiêu cơ bản của máy, các chỉ tiêu thuộc về định lượng và định tính của máy như năng suất gặt, độ sạch của thóc, tỉ lệ tróc vỡ hạt, tổn thất thóc tổng cộng trên đồng ruộng, độ ổn định của máy, sự an toàn lao động cho người vận hành máy và bà con nông dân tham gia cổ vũ cho hội thi tiến hành tổng hợp số liệu chấm điểm.
Đây là lần đầu tiên Hội thi máy gặt đập liên hợp lúa các tỉnh phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội với mục đích bình tuyển các loại máy gặt đập liên hợp có khả năng vận hành tốt nhất trên thực tế đồng ruộng ở các tỉnh phía Bắc. Phổ biến việc ứng dụng máy gặt đập liên hợp vào việc cơ giới hoá nông nghiệp phục vụ tốt và có hiệu quả trong sản xuât lúa. Giải quyết bài toán thiếu nhân công, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập cho nông dân.
Máy GĐLH trình diễn tại Hội thi thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo bà con nông dân, cán bộ khuyến nông
Qua thăm quan các máy dự thi trình diễn trên đồng ruộng xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ cho thấy, các mẫu máy tham gia hội thi có kết cấu hợp lý, nhỏ gọn. Đặc biệt, các mẫu máy được sản xuất tại Việt Nam có nhiều cải tiến về chất lượng chế tạo, hoạt động tốt trên nhiều loại nền ruộng với nhiều trạng thái lúa. Dễ sửa chữa nếu có trục trặc khi vận hành; có thiết bị an toàn cho máy và người điều khiển khi hoạt động...
Phát biểu tại hội thi, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, sự nhiệt tình, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân từ các địa phương trong cả nước để chế tạo, sản xuất các mẫu máy gặt đập liên hợp; không quản ngại, khó khăn vất vả để đem các sản phẩm về tham dự hội thi.
Đồng chí nhấn mạnh, trong những năm gần đây vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương quan tâm chỉ đạo, khuyến khích phát triển và đã có những chuyển biến tích cực. Nhu cầu cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa, nhất là sử dụng máy gặt đập liên hợp đã và đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Tiếp theo thành công của Hội thi máy gặt đập liên hợp các tỉnh miền Nam tổ chức tại tỉnh Bình Định năm 2011, Hội thi máy gặt đập liên hợp các tỉnh miền Bắc năm 2012 nhằm klhuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có các mẫu máy gặt đập liên hợp đã và sẽ phát triển tại khu vực miền Bắc hội tụ về, cùng nhau trình diễn thi tài, thể hiện các tính năng và hiệu quả hoạt động thực tế của các mẫu máy trên đồng ruộng. Tạo điều kiện để các cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông, các hộ nông dân gặp gỡ, giao lưu với các tổ chức, cá nhân có mẫu máy mới, tìm hiếu thông tin và trực tiếp chứng kiến, nhận xét đánh giá những ưu điểm và hạn chế cần tiếp tục khắc phục, hoàn thiện của từng mẫu máy; cùng xác định những tổ chức, cá nhân có các mẫu máy ưu việt nhất để tôn vinh tại hội thi và làm cơ sở lựa chọn những mẫu máy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hội thi cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân thông tin, quảng bá đến các cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông và nông dân về những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, các kết quả nghiên cứu, chế tạo và sản xuất, cung ứng các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản...
BTC, BGK hội thi cùng các đại biểu thăm phần trình diễn trên đồng ruộng của Doanh nghiệp TN Tư Sang 2 - đoạt giải Nhất hội thi
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 01 giải Nhất cho Doanh nghiệp tư nhân Tư Sang 2 (Tiền Giang); 02 giải Nhì cho Doanh nghiệp Tư nhân Sài Gòn Kim Hồng (Thanh Hóa) và Công ty TNHH Lion Việt Trung (Hà Nội); 03 giải ba cho các đơn vị: Trung tâm Phát triển Cơ điện Nông nghiệp (Hà Nội), Doanh nghiệp Tư nhân Vĩnh Thái (TP. Hồ Chí Minh), và Công ty TNHH Cẩn Hoa (Thanh Hóa).
Doanh nghiệp TN Tư Sang 2 đoạt giải Nhất hội thi
TS. Phan Huy Thông - GĐ TTKNQG, đồng chí Đoàn Xuân Hòa - Trưởng ban Giám khảo trao giải Nhì cho các đơn vị
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - PGĐ TTKNQG, đại diện LĐ UBND huyện Chương Mỹ trao giải Ba cho các đơn vị
Theo Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, trong suốt hội thi Doanh nghiệp Tư nhân Tư Sang 2 vận hành máy suôn sẻ, không hỏng hóc; tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch thấp; độ sạch lúa đạt trên 90%... máy có khả năng hoạt động trên ô thửa ruộng lớn, nhỏ rất cơ động và linh hoạt. Ban tổ chức hội thi, Doanh nghiệp Tư nhân Tư Sang 2 đã quyết định tặng máy gặt đập liên hợp lúa đoạt giải cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.