00:00 Số lượt truy cập: 3230838

Đổi đời từ heo rừng 

Được đăng : 03/11/2016

Heo rừng là loài động vật hoang dã, quý hiếm. Vài năm trở lại đây, một số người dân đã nuôi thuần hóa thành công heo rừng, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, ở một số địa phương trong cả nước, nghề nuôi heo rừng đã phát triển thành phong trào.


Đồng Tháp khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều nông dân ở các huyện Châu Thành, Tháp Mười, Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh đã tận dụng diện tích đất vườn cạnh nhà, đầu tư vốn xây dựng chuồng trại nuôi heo rừng.

Trung bình, một con heo rừng giống trên dưới 10kg có thể xuất bán được với giá trên 1 triệu đồng. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hàng chục hộ nông dân nuôi, số lượng khoảng trên 1.000 con heo rừng các loại. Tính ra, mỗi năm mỗi hộ gia đình thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Minh Tâm, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành có 3 năm kinh nghiệm nuôi heo rừng cho biết: “Heo rừng là loài động vật hoang dã, ăn tạp, rất dễ tìm nguồn thức ăn nên khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó.

Heo rừng cũng ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, khi được chăm sóc tốt và cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch heo rất mau lớn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư mua con giống và xây dựng chuồng nuôi ban đầu rất cao và khi nuôi phải đăng ký với cơ quan kiểm lâm”.

Chuồng nuôi heo rừng phải được xây chắc chắn, bao quanh bằng lưới B40, quan trọng là cửa chuồng phải chắc chắn, tránh để heo thoát ra ngoài cắn phá. Anh Nguyễn Minh Tâm, một trong những hộ nuôi heo rừng số lượng nhiều nhất ở Châu Thành, chia sẻ: “Hơn 3 năm trước, sau khi học hỏi kỹ thuật nuôi heo rừng của những người quen ở Đông Nam bộ và Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, tôi quyết định đầu tư hàng chục triệu đồng để xây chuồng và nhờ người quen ở tỉnh Đắc Nông mua giùm 4 con heo rừng giống đem về nuôi. Đến nay, đàn heo đã phát triển lên rất nhiều, tôi vừa cung cấp heo giống lẫn heo thịt cho những người có nhu cầu”.

Anh Tâm còn cho biết thêm: “Thức ăn cho heo rừng rất dễ tìm. Bình quân, cứ đầu tư khoảng 30.000đ thức ăn/ngày, sau 12 tháng nuôi, heo sẽ đạt trọng lượng trên 100kg, nếu là heo rừng cái, mỗi năm sẽ cho sinh sản (trung bình từ 5 - 10con/đàn), lợi nhuận bán heo rừng con cũng rất đáng kể”.

Trong thời gian nuôi, để vệ sinh chuồng và giúp đàn heo rừng phát triển nhanh, người nuôi phải thường xuyên theo dõi nguồn thức ăn thừa của heo, vệ sinh chuồng sạch sẽ mỗi ngày một lần và thỉnh thoảng cho phơi chuồng dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh. Nhờ cách làm này, đàn heo rừng nuôi của anh Tâm tăng trưởng nhanh, không bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và sinh sản đều.

Sau hơn 3 năm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp huyện, đàn heo rừng của anh Tâm tăng trưởng rất nhanh. Từ năm 2006 đến nay, gia đình anh đã xuất bán được hàng chục con heo rừng giống và hàng trăm ký heo rừng thịt thương phẩm, giá heo rừng giống anh bán được khoảng 1 triệu đồng/con và thịt heo rừng anh bán với giá 100.000đ/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình anh Tâm thu được hàng chục triệu đồng.

Hiện nay, nhiều người dân trong tỉnh Đồng Tháp đang tích cực học tập kỹ thuật nuôi heo rừng và mở rộng chuồng trại đầu tư nuôi heo rừng. Mô hình này đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.