00:00 Số lượt truy cập: 2673342

Đồng Tháp: Người nông dân sản xuất giỏi kiêm tài sáng chế hay 

Được đăng : 03/11/2016
 Gọi Lê Hồng Phương 38 tuổi, là nông dân sản xuất giỏi cũng đúng, mà nhà sáng chế máy tưới rẫy cũng chẳng sai. Bởi anh nổi tiếng khắp vùng Tân Lập, xã Tân Quy Tây - thị xã Sa Đéc- tỉnh Đồng Tháp. Những năm qua anh nhờ mô hình trồng củ cải trắng xen canh ớt thu lãi trên 120 triệu đồng/năm

GIÀU LÊN NHỜ VÀO VỤ NGHỊCH

Đến thăm ruộng cải của anh và nghe anh kể về quá trình làm giàu của mình mà chúng tôi “bắt ham”, bằng một giọng đầy hào hứng anh nói:”Bảy năm theo nghề thu mua lúa gạo cũng là khoảng thời gian tôi học được nhiều kinh nghiệm về nghề ruộng rẫy, nên khi quyết định chuyễn sang nghề này tôi rất tự tin vào năng lực của mình. Tuy nhiên, phải làm vụ nghịch mới có lời vì hàng hóa thời điểm đó bán không bị rớt giá”. Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Phương “thầu” toàn bộ khu đất 1,4ha gồm: bờ bao, mương và liếp, trong đó diện tích là 8.000 mét vuông là đất chyên trồng củ cải trắng và cây ớt.

Theo anh kể thì củ cải trắng có ưu điểm là quá trình sinh trưởng ngắn, lại dễ trồng, năng suất cao và điều đặc biệt là rất dễ bán. Thông thường, cứ qua Tết âm lịch là anh xuống giống, chỉ sau một tháng rưỡi là có thể thu hoạch. Đây là thời điểm khô hạn nên củ cải bán rất được giá. Sau đó anh tiếp tục trồng vụ kế tiếp. Khi củ cải được 5 ngày tuổi,, anh trồng xen ớt vào. Thu hoạch củ cải vụ hai vào khoảng tháng 6,7 là vụ nghịch. Tiếp đó, từ tháng 8 đến tháng 10 thì thu hoạch ớt. Thời điểm này vào mùa lũ nên ớt bán được với giá cao, Anh còn tiếp tục trồng 2 vụ củ cải nữa.

Vào vụ nghịch nên giá bán củ cải và ớt của anh bao giờ cũng gấp 2 lần so với những người trong nghề. Mỗi lần thu hoạch được 24 tấn củ cải, tổng cộng cả năm anh Phương đã có 80 triệu đồng tiền lãi. Theo anh, tháng 6,7 là mùa mưa, ớt rất khó trồng do bệnh hại tấn công, nhưng nếu trồng được giá bán gấp 2 - 3 lần so với mùa thuận. Loại ớt anh trồng là giống ớt châu Phi, trái lớn, dài, cay gắt, trái chín màu đỏ tươi nên bạn hàng ở TP. HCM rất ưa chuộng. Mặc dù trồng xen với củ cải nhưng năm nào anh cũng thu được 10 tấn, giá bán bình quân 7.000 – 9.000 đồng/kg, có khi 12.000đồng/kg, trừ đi các chi phí anh còn lãi 40 triệu đồng. Ngoài ra, dưới đường nước dùng tưới cải, ớt, anh thả nhiều loại cá như: mè vinh, rô phi, trắm cỏ… Nhờ biết tận dụng lá củ cải làm thức ăn cho cá nên hàng năm chi phí cho cá ăn rất thấp. Mỗi năm, anh thu hoạch gần 400 kg cá các loại, nguồn thu từ cá tuy không lớn nhưng cũng đủ bổ sung vào thực đơn cho gia đình.

…VÀ NHỜ CHIẾC MÁY TƯỚI CẢI TIẾN

Cây củ cải trắng vào mùa hạn đòi hỏi phải có một lượng nước tưới khá lớn, nhưng tưới bằng mô tơ vừa chậm lại vừa hao tốn chi phi và các cây luôn bị xây sát. Chính vì vậy, anh Phương mày mò, suy nghĩ tìm ra một chiếc máy cải tiến dùng tưới rẫy rất hiệu quả. Máy gồm 1 động cơ D15 đặt trên chiếc phà nhỏ gắn liền với bộ phận bơm hút đưa nước lên giàn phun bằng ống nhựa phi 80, dài 18m (chia mỗi bên 9m) được thiết kế nằm ngang trên phà, có trụ giữa đỡ ống nước hình chữ T. Trên giàn phun cách nhau 3m lại gắn một vòi búp sen. Vòi hướng về phía sau để vừa phun vừa tạo lực đẩy đưa toàn bộ giàn phun và chiếc phà lao về phía trước mà không cần gắn thêm một động cơ nào. Để máy hoạt động dễ dàng, anh Phương thiết kế bề mặt mỗi liếp đất rộng 9m, cách liếp là một con mươmg rộng 3m, như vậy khi hoạt động máy tưới có thể phun tưới đều trên bề mặt của 2 liếp. Anh Phương cho biết thêm: nhờ chiếc máy này mà chỉ với một công lao động, nửa lít dầu và 8.000 mét vuông đất, cây màu trồng được tưới xong trong vòng 30 phút, tiết kiệm khoảng 50.000 đồng so với tưới bằng mô tơ.

Đến thăm trang trại của anh Phương, chúng tôi thật sự phải thầm khen ngơi sự sáng tạo của anh. Anh chậm rãi nói:”Làm nông nghiệp bây giờ phải học hỏi mới mong thành công! học để biết áp dụng và cho ra hiệu quả hơn. Chính vì vậy, các lớp huấn luyện về sản xuất rau an toàn theo hướng GAP, sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại tổng hợp… tôi đều tham gia. Nếu không ứng dụng những điều học được vào sản xuất, mình không chỉ mất thời gian mà sản phẩm lại không thể cạnh tranh được. Quan trọng là chọn thời điểm và mặt hàng thị trường có nhu cầu, không nên sản xuất đại trà, phải hiểu tính nết của từng loại cây trồng, từng loại sâu bệnh để sử dụng đúng thuốc và đúng lúc…”.

Hệ thống tưới hoa màu của anh Lê Hồng Phương vừa nhận được giải thưởng “Điển hình sáng tạo Việt Nam 2008” do Liện hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Có lẽ nhờ tiến bộ này mà anh Phương đã tạo dựng cho gia đình một cuộc sống đầy đủ với thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn đầu tư 200 triệu đồng để mua một máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ. Anh khoe: ”Chỉ riêng 2 vụ lúa đông xuân và hè thu 2008 này thôi, máy gặt đập liên hợp của tôi thu hoạch được 1.200 công (1 công = 1.000 mét vuông), tôi đã thu lại gần đủ vốn”. Nhờ sự năng động, nhạy bén mà anh Lê Hồng Phương liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp.