00:00 Số lượt truy cập: 3205984

Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra giảm giá, người nuôi lao đao 

Được đăng : 03/11/2016

Hàng loạt hộ nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL đang “méo mặt” khi giá cá đột ngột giảm thê thảm. Ngược lại, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi… tăng vùn vụt. Đặc biệt, ngân hàng siết chặt cho vay - tăng lãi suất, trong khi nhà máy chế biến không chịu thu mua, đẩy người nuôi cá đến bờ vực phá sản.

Kêu bán lỗ - không ai mua


Chiều 28-2, giá cá tra ở ĐBSCL chỉ còn 14.000 đồng/kg, trong khi tuần trước là 15.000 - 15.200 đồng/kg trở lên. Như vậy, chỉ mới vài ngày mà giá cá tra đã sụt 1.000 - 1.200 đồng/kg, điều không ai ngờ tới.

Anh Út Em, một đại gia nuôi cá ở xã Tân Lộc (Thốt Nốt - Cần Thơ), chua chát: “1.000 tấn cá dưới hầm đã tới kỳ thu hoạch nhưng giá sụt thế này, lỗ là cái chắc”.

“Nếu như tuần trước giá cá còn ở mức cao, ngày nào cũng có thương lái và nhà máy tìm tới mua, nay rớt giá kêu bán hổng ai thèm ngó. Với số lượng cá trên mỗi ngày phải tốn 240 triệu đồng tiền thức ăn. Tình hình này kéo dài sẽ nguy mất”- Anh Út Em thở dài.

Ông Đỗ Thành Nam, xã Thới Thuận, cho biết thêm: “Ngày 28- 2, chúng tôi thuê xe chạy đến các nhà máy năn nỉ bán cá nhưng tất cả đều lắc đầu không mua, cho dù người nuôi chấp nhận bán lỗ”.

Tại An Giang, tình hình cũng hết sức bi đát. Ông Nguyễn Văn Lâm, Châu Phú, phân tích: “Vụ rồi thức ăn công nghiệp chỉ 5.800 - 6.000 đồng/kg nay vọt lên gần 8.000 đồng/kg, dầu cũng tăng thêm 3.700 đồng/lít… trong khi giá cá lại sụt và không bán được. Đợt này, người nuôi sẽ đổ nợ”.

Theo Sở Thủy sản An Giang, sản lượng cá năm nay ước đạt 400.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Còn Đồng Tháp, sản lượng cá cũng tăng khoảng 15.000 - 20.000 tấn. Bến Tre năm rồi nuôi 20.000 tấn thì năm nay tăng thêm khoảng 20%... Hầu hết địa phương đều mở rộng diện tích nuôi, tuy nhiên giá cá rớt đột ngột khiến người dân lao đao.

Theo tính toán, chi phí giá thành cá tra hiện nay là 14.000 - 14.500 đồng/kg. Đối với những hầm cá đạt trọng lượng từ 1 kg/con trở lên mà không bán được thì chất lượng cá sẽ giảm mạnh. Cá càng lớn, chi phí càng cao nhưng giá bán càng giảm, gây bất lợi cho người nuôi.

Đâu là nguyên nhân?

Theo nhiều hộ nuôi cá chuyên nghiệp ở An Giang và Đồng Tháp: Việc các ngân hàng siết chặt cho vay và tăng lãi suất đã tác động đến nghề nuôi cá. “Nếu như trước đây các ngân hàng cho dân nuôi cá vay ở mức 1,1%- 1,2% thì nay tăng lên 1,5% - 1,6% thậm chí 2%. Ngoài ra từ mức giải ngân khoảng 60% tổng tài sản, giờ họ cắt giảm thê thảm chỉ cho vay một phần”- Anh Út Em phân trần.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết nuôi cá đòi hỏi vốn rất lớn nên đa số người nuôi ở ĐBSCL không đủ “nội lực”. Do đó cần sự tiếp ứng từ các ngân hàng. Nếu nuôi chỉ 100 tấn cá/vụ thì vốn đầu tư đã ngốn đến 1,4 tỷ đồng. Trong khi số hộ ở ĐBSCL nuôi vài trăm tấn/vụ đến cả ngàn tấn/vụ nhiều vô kể.

Người dân cần vay 1- 2 tỷ đến hàng chục tỷ đồng là rất nhiều. Thế nhưng ngân hàng siết chặt và tăng lãi suất đã làm cho hàng loạt hộ nuôi cá bị “hụt hơi”. Bà Trần Thị Ngoặt, ở Thốt Nốt (Cần Thơ) thừa nhận: “Chúng tôi không thể cầm cự được vì không đủ tiền lo cho cá ăn, buộc phải kêu bán sớm…”.

Chính từ sự “hụt hơi” trên nên nhiều hộ nuôi cá ùn ùn kêu bán tống bán tháo đã kéo giá cá sụt thê thảm. Ngoài ra, một số nhà máy nhỏ cũng đang khốn đốn vì thiếu vốn và không đủ tiền mặt, từ đó tạm ngưng không mua cá làm cho tình hình càng lúc khó thêm.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, kêu gọi người dân bình tĩnh, cố gắng kìm cá lại, hạn chế bán vội vã lúc này sẽ thua thiệt và gây xáo trộn thị trường bởi tình hình xuất khẩu vẫn tốt.

Theo ông Danh, hiệp hội sẽ xúc tiến làm việc với các ngân hàng về vấn đề cho vay. Dự kiến, vài ngày tới sẽ phối hợp cùng Hội Nghề cá Việt Nam và các tỉnh ĐBSCL họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá trong thời điểm nhạy cảm này.