00:00 Số lượt truy cập: 2660394

Dự án VAC giai đoạn 2003-2006: Hướng dẫn nhà nông làm VAC theo công nghệ hiện đại 

Được đăng : 03/11/2016
Sau 3 năm thực hiện dự án “Phát triển khuyến viên trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển nông nghiệp bền vững” (dự án VAC), Hội Làm vườn Việt Nam đã giúp hội viên và nông dân cả nước xây dựng những vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi theo hướng hàng hoá cho năng suất, chất lượng cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Nhưng cái được lớn nhất của dự án là giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, chuyên canh - yếu tố sống còn của nền nông nghiệp thời hội nhập.

Từ Những Mô Hình Điểm

Với 3 mô hình VAC tiêu biểu cho từng vùng sinh thái như cải tạo vườn tạp và phát triển VAC miền núi; VAC hàng hoá ở các địa phương có nhiều cây ăn quả đặc sản; tiêu thụ sản phẩm ở những nơi cây ăn quả được trồng tập trung và thu nhập từ vườn là chính, dự án đã mang lại sức sống mới cho nhiều vùng đất khô cằn. Đã có 30 tỉnh - thành Hội với trên 1.000 hộ hội viên và nông dân được tham gia và hưởng lợi từ dự án.

Nhờ sự giúp đỡ của dự án, các hộ dân ở xã Hoà Sơn (Lương Sơn -Hoà Bình) đã đầu tư trồng cây ăn quả theo mô hình VAC, với các loại cây chủ lực như: vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, hồng Nhân Hậu, bưởi Diễn... Ngoài ra, bà con còn nuôi lợn, trâu, bò sinh sản và trồng rừng. Nhờ đó, toàn xã đã có 496 con trâu, 558 con bò, 3.000 con lợn, 24.000 con gà, bình quân mỗi hộ nuôi 3 con lợn. Nhiều gia đình hội viên đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng /năm từ mô hình VAC, như các ông Bùi Văn Niên, Bùi Văn Vững, Bùi Văn Hưng ở thôn Gò Báu; Đỗ Xuân Sách, Nguyễn Văn Mễ ở thôn Bùi Trám...

Theo ông Hoàng Quyền, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Hà Giang, thông qua sự hỗ trợ từ dự án, cây cam sành -đặc sản của Hà Giang đã thực sự hồi sinh và từng bước chiếm lĩnh thị trường. Để có được thương hiệu cam sành Hà Giang, HLV tỉnh đã phối hợp với HLV Việt Nam xây dựng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc, chuyển giao công nghệ bảo quản bằng màng bán thấm, nhằm kéo dài thời gian bảo quản nhưng vẫn bảo đảm chất lượng cam. Hội cũng đã chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Hiện, cam sành Hà Giang đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội như Intimex, Metro,...

ông Doãn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên cho biết: "Từ hiệu quả cao của mô hình thâm canh nhãn do Hội xây dựng, UBND tỉnh đã có đề án phát triển vùng nhãn hàng hoá. Đó là thành công của dự án, là công lao của Hội, cần được khẳng định".

Nâng Cao Tiến Bộ Kỹ Thuật Cho Nông Dân

Đó cũng là một trong những kết quả đáng ghi nhận của dự án VAC. Sau 3 năm triển khai, Dự án đã xây dựng được 20 mô hình VAC miền núi, 8 mô hình VAC hàng hoá, 3 HTX tiêu thụ sản phẩm (vải thiều Lục Ngạn, nho xanh Ninh Thuận, xoài cát Hoà Lộc) với diện tích trên 360ha. Tỷ lệ sinh trưởng đạt 80-90%, có vườn đạt 95-100% như ở Hưng Yên, Hà Nam, Hà Giang, Vĩnh Long,... Về chăn nuôi, đã xây dựng được 25 mô hình. Dự án không những giúp khôi phục, mở rộng diện tích cây ăn quả mà còn giúp bà con nhận thức rõ hơn về cách lựa chọn, sử dụng cây - con giống sạch bệnh, hướng đến những mô hình VAC an toàn, có giá trị cao về mặt xuất khẩu.

Ngoài ra, dự án còn tổ chức 120 đợt tham quan, 215 lớp tập huấn với trên 10.160 lượt người tham gia. Trung ương Hội cũng tổ chức trên 10 lớp huấn luyện tiểu giáo viên, 2 cuộc giao lưu giữa các đại biểu làm VAC giỏi của 2 miền Nam -Bắc. Hàng ngàn trang tài liệu về kỹ thuật làm vườn, chăn nuôi đã được trình bày và phát đến từng hội viên.

Đánh giá về dự án, ông Hà Minh Trung, Trưởng ban Quản lý dự án HLV Việt Nam cho rằng: “Tiềm năng về nghề vườn ở nước ta còn lớn, dự án chỉ góp phần giúp bà con đánh thức và khơi dậy tiềm năng bằng cách tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thay đổi cách thức sản xuất dần hình thành những vùng sản xuất, hàng hoá tập trung”.

ông Đỗ Thanh Quang, Chủ tịch HLV Hà Tây nhận xét: “Nhờ sự hỗ trợ của dự án, HLV Hà Tây đã xây dựng được mô hình trồng nhãn muộn, bưởi Diễn, cam Canh cho năng suất cao. Nếu tiếp tục sâu sát, phổ biến kỹ thuật tới tận người dân thì hiệu quả sẽ cao hơn”. Còn ông Lương Văn Tự, Chủ tịch HLV Hà Giang cho rằng: “Dự án đã vượt kế hoạch về xây dựng mô hình cây ăn quả và chăn nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những mô hình VAC tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao”.

Về những hướng đi sau khi Dự án kết thúc, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu nhấn mạnh: “Kết quả ban đầu là rất quan trọng nhưng để mô hình mang tính bền vững và hiệu quả cao thì phải nhân rộng. Muốn những mô hình mà Hội đã xây dựng phát triển, các tỉnh Hội phải sâu sát cơ sở hơn, vận động bà con cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình phù hợp với những vùng sinh thái để khai thác hết tiềm năng, vươn lên xoá nghèo và làm giàu. Từ 1-2 mô hình điểm nếu chúng ta có thêm hàng trăm, hàng nghìn mô hình như thế thì Dự án mới thực sự thành công”.