00:00 Số lượt truy cập: 3228613

Dự kiến tăng mức thu thuỷ lợi bình quân lên 1,5 lần 

Được đăng : 03/11/2016
Bộ Tài chính vừa cho biết, Bộ đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Theo đó, để phù hợp với Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với phần diện tích đất mà các hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã nông trường, lâm trường và Quyết định số 2194/QĐ-TT ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020, dự thảo đã bổ sung đối tượng miễn thuỷ lợi phí bao gồm: Diện tích của giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và giống thuỷ sản theo quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020; Diện tích đất mà các hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã nông trường, lâm trường theo Nghị quyết số 55/2010/QH2 của Quốc hội.

Đối với mức thu thuỷ lợi phí, so với mức thu thủy lợi phí quy định tại Nghị định 115/2008/NĐ-CP, mức thu theo dự thảo Nghị định thay thế sẽ tăng lên 1.5 lần. Đây được xem là mức điều chỉnh cho phù hợp với chi phí thực tế phát sinh của các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Trong đó, mức thu thuỷ lợi phí đối với vùng núi được nhân hệ số 1,1 lần so với đồng bằng; mức thu theo các biện pháp tưới tiêu: tưới tiêu bằng trọng lực được tính bằng 70% tưới bằng động lực. Tưới tiêu kết hợp giữa trọng lực và động lực được tính bằng 85% động lực. Mức thu thuỷ lợi phí đối với các đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ tưới (tính bằng 70%), tiêu (tính bằng 30%). Đối với trường hợp phải tưới từ 2 bậc trở lên được cộng thêm 20% mức bình thường. Mức thu tiền nước để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực được nhân 1,2 lần so với mức thu tiền nước của Nghị định 115/2008/NĐ-CP.

Riêng phần nuôi trồng thuỷ sản tại công trình hồ chứa thuỷ lợi và nuôi cá bè được giảm 2% giá trị sản lượng. Cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu nếu không tính được theo mét khối (m3) thì thu theo diện tích (ha), mức thu bằng 80% mức thuỷ lợi phí đối với đất trồng lúa cho một năm (trước đây là mức thu bằng 40% mức thu đối với đất trồng lúa không quy định theo vụ hoặc năm); Thống nhất mức thu thuỷ lợi phí (cũng là mức thu cấp bù) đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Để có cơ chế điều chỉnh mức thu một cách hợp lý và linh hoạt, thích ứng với diễn biến của thị trường, tránh tình trạng phải sửa đổi bổ sung Nghị dịnh nhiều lần khi chính sách tiền lương, giá cả vật tư thay đổi, dự thảo Nghị định bổ sung thêm nội dung: “Căn cứ tình hình thực tế từng giai đoạn cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức thu tăng tối đa 30% so với mức thu tại Nghị định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp biến động vượt 30% so với mức thu quy định tại Nghị định này thì trình Chính phủ xem xét điều chỉnh”.

Ngân sách Trung ương sẽ đảm bảo 100% kinh phí miễn phí thuỷ lợi phí tăng thêm cho các đơn vị thuỷ nông trung ương và các địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương; Hỗ trợ 50% kinh phí miễn thu thuỷ lợi phí tăng thêm đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50% theo chương trình mục tiêu; Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, kinh phí tăng thêm do ngân sách địa phương đảm bảo.

Theo Bộ Tài chính, với những thay đổi về chính sách miễn thuỷ lợi phí mới này sẽ là một trong những giải pháp tích cực đầu tư công vào nông nghiệp nông thôn, thiết thực triển khai Nghị quyết số 26/NQ-TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đồng thời cũng là một trong những nhiệm vụ thiết thực phục vụ cho chính sách an sinh xã hội./.