Để hạn chế sự lây lan bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang cho trái, cần cắt tỉa, loại bỏ cành nhện và cành bị sâu bệnh, đối với cây nhãn đang nhiễm bệnh nên cắt cành khoảng 50 cm; tổng vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy các cành bị bệnh, cây ký chủ trong vườn và xung quanh. Khi đọt nhãn chuyển màu xanh lụa, nên bón phân với hàm lượng lân và kali cao. Khi đọt chuyển sang già đồng đều thì xử lý bằng thuốc Clorua Kali. Khi cây nhãn ra hoa và trong giai đoạn nuôi hoa đến khi cây đậu trái, cần phun ngừa thuốc định kỳ như giai đoạn sau thu hoạch. Bón phân nuôi hoa cân đối giữa đạm, lân và kali, tùy theo hoa dài hay ngắn mà gia giảm lượng phân đạm; trong giai đoạn đậu trái nên bón hoặc phun bổ sung Boron để tăng khả năng đậu trái và chống rụng quả. Nông dân nên hạn chế cho người lạ ra vào vườn nhãn để hạn chế lây truyền mầm bệnh từ vườn này sang vườn khác; hạn chế nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái vì chúng có thể phát tán nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng trên cây nhãn.
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhện lông nhung là vectơ truyền bệnh chổi rồng trên nhãn, có kích thước rất nhỏ, không thể quan sát được bằng mắt thường nên việc kiểm soát và phòng trị gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát phổ ký chủ của nhện lông nhung trên trên cây nhãn cho thấy, nhện lông nhung hiện diện với mật số cao ở giai đoạn cây nhãn ra lá non (vào tháng 4, tháng 5 và tháng 10, tháng 11). Riêng tháng 12, nhện lông nhung tập trung rất cao trên lá và mầm non, làm cho tược của cây nhãn bị xoăn lại. Các tháng còn lại do mưa nhiều nên loài nhện này di chuyển và trú ẩn ở các lá già. Điều này chứng tỏ vectơ truyền bệnh chổi rồng hiện diện ở khắp nơi nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao nếu không kịp thời phòng trị. Đến thời điểm này, tác nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhản tiêu da bò vẫn chưa được xác định rõ. Hiện các mẫu bệnh đã được gửi sang Bệnh viện Cây trồng Quốc tế xét nghiệm.