Ngay trong khi nông dân các tỉnh phía Nam vừa mới bước vào thu hoạch lúa ĐX sớm, ông đã cả quyết rằng, giá gạo thế giới năm nay sẽ diễn biến theo xu thế cao ở đầu năm- thấp vào cuối năm. Căn cứ vào đâu ông cho rằng kịch bản giá gạo thế giới sẽ như vậy?
Xu thế diễn biến của giá gạo thế giới tuy phụ thuộc vào một loạt yếu tố, nhưng theo tôi bốn yếu tố sau đây có tầm quan trọng đặc biệt:
Thứ nhất, yếu tố giữ vai trò nền tảng là năm nay thế giới đứng trước triển vọng được mùa 6 năm liên tục. Sản lượng lúa thế giới 5 năm vừa qua đã tăng được xấp xỉ 80 triệu tấn và theo dự báo ở thời điểm này, năm nay sẽ tiếp tục tăng khoảng 12 triệu tấn, tức là tăng 2,52%/năm. Như vậy, tuy đây không phải là năm được mùa kỷ lục 21- 26 triệu tấn như hai năm 2004 và 2006, nhưng rõ ràng là việc “bồ thóc liên tục đầy nhanh” trong một khoảng thời gian dài như vậy sẽ khiến nỗi lo về an ninh lương thực vơi đi rất nhiều.
Thứ hai, liên tục được mùa lớn trong một khoảng thời gian dài nhưng tốc độ tăng tiêu dùng gạo của thế giới ngày càng “hụt hơi”, chỉ là 1,06%/năm. Sự “lệch pha” giữa cung và cầu như vậy đương nhiên dẫn đến tồn kho gạo lớn, bởi nếu như năm 2005 chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong 8,3 tuần lễ thì hiện con số này đã vượt qua ngưỡng 10 tuần.
Đây là lý do thời điểm đầu năm nay Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo là NK gạo thế giới năm nay sẽ xấp xỉ ở mức của năm 2008 (29,57 triệu tấn so với 29,69 triệu tấn), thì hiện tại mức dự báo này đã hạ xuống 28,86 triệu tấn.
Thứ ba, trong điều kiện sản lượng và tồn kho tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu dùng, thay vì thị trường là của người bán trước đây, thị trường gạo thế giới hiện nay là của người mua, giá giảm chỉ là hệ quả tất yếu.
Thứ tư, xu thế giá gạo thế giới cao ở đầu năm, thấp vào cuối năm còn phụ thuộc vào một yếu tố đặc biệt mà chỉ năm nay mới xuất hiện.
Đó là, việc gía gạo thế giới tháng 4/2008 vừa qua đã đạt kỷ lục mọi thời đại 1.015,2 USD/tấn và tiếp tục đứng ở mức trên 1.000 USD/tấn trong tháng 5 sau đó, còn trong 7 tháng cuối năm tuy đã liên tục giảm, nhưng vẫn còn 550,7 USD/tấn, tức là vẫn còn cao hơn kỷ lục 535 USD/tấn vào tháng 6/1981, chưa kể trong hai tháng đầu năm nay đã nhích lên 634 USD/tấn có lẽ là điều không bình thường.
Bởi lẽ, trong điều kiện thế giới không hề thiếu gạo như đã nói ở trên, thì việc gía gạo thế giới tăng gấp 2,58 lần chỉ trong vòng bốn tháng như vậy (tháng 1/2008 là 393,5 USD/tấn) chỉ có thể là do yếu tố đầu cơ dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên quy mô toàn cầu, còn hiện nay thì yếu tố này có lẽ đã biến mất.
Theo lô gích này, giá gạo thế giới sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Theo lập luận như vậy thì hẳn việc các DN nước ta đẩy mạnh XK gạo những tháng đầu năm nay là khôn ngoan?
Có thể nói, không chỉ hoàn toàn đúng như vậy, mà còn hơn cả như vậy!
Các thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN cho thấy, tính đến ngày 22/5 vừa qua, chúng ta đã xuất được 2,769 triệu tấn gạo, tăng 61,65% so với cùng kỳ năm 2008 (tính đến ngày 23/5), còn về kim ngạch thay vì 780 triệu USD chúng ta đã thu được 1,134 tỷ USD, tăng 45,38% và tính theo giá bình quân thay vì 455,3 USD/tấn năm ngoái, hiện vẫn đạt được 409,5 USD/tấn, chỉ giảm 10,06%. Có thể nói, đây là thắng lợi đáng mừng.
Trước hết, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, ở thời điểm tháng 4 vừa qua, giá gạo thế giới đã rơi tự do 43,14% so với cùng kỳ năm 2008, cho nên mức giảm giá này của các DNXK gạo nước ta là rất thấp. Hay nói cách khác, chúng ta đã xuất khẩu gạo được giá.
Tiếp theo, thắng lợi nữa có lẽ còn đáng mừng hơn thế là, do XK được giá, giá lúa gạo trong nước cũng ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với không chỉ quyền lợi của nông dân nước ta được bảo đảm, mà còn góp phần quan trọng tăng sức mua.
Cuối cùng, điều đặc biệt là trong điều kiện “đoàn tàu xuất khẩu” của nước ta bị tụt dốc rất mạnh chủ yếu do giá thế giới rơi tự do ở hầu như tất cả các mặt hàng khác, xuất khẩu gạo nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung tăng tốc rất mạnh đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng tụt dốc đó.
Vậy ông đánh giá giá gạo XK những tháng còn lại sẽ theo chiều hướng nào?
Trước hết, phải thú thực khi nhận định về việc giá gạo thế giới cao ở đầu năm và thấp vào cuối năm và đương nhiên kèm theo nhận định này là khuyến cáo các DN nên tăng tốc XK gạo ngay từ đầu năm sẽ được lợi thì chính bản thân tôi không cũng không khỏi “run”. Bởi lẽ nếu nhận định đó không đúng, tức là giá gạo thế giới không giảm mà ngược lại sẽ tăng và các DN “chót” làm theo, thì đương nhiên DN cũng như đất nước thua thiệt.
Đặc biệt, tôi càng run khi trả lời cùng một câu hỏi xu thế giá gạo thế giới năm nay sẽ như thế nào, GS Timer- một chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Mỹ không lạ gì Việt Nam lại cho rằng, giá gạo có thể tăng trong sáu tháng tới đây, nhưng cũng thật khó để dự đoán, vì còn phải chờ những tín hiệu khi mùa màng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tôi đã có thể yên tâm về những nhận định của mình.
Ông có thể nói cụ thể hơn được không?
Với những động thái hiện nay, khả năng giá gạo thế giới tiếp tục giảm trong những tháng tới là điều khó tránh khỏi, bởi hai lý do chủ yếu sau đây:
Trước hết, về quan hệ cung - cầu, dự báo tháng 5 này của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, không chỉ tín hiệu mùa màng của Trung Quốc vẫn tốt mà thế giới còn được mùa lớn hơn nhiều so với dự báo. Điều này có nghĩa là, cán cân cung - cầu gạo thế giới ngày càng tạo lợi thế cho người mua, chứ không phải cho người bán.
Quan trọng hơn nữa là dường như thương mại gạo thế giới những tháng vừa qua vẫn còn những “di chứng” rất nặng nề của cuộc hoảng loạn trên thị trường thế giới năm ngoái, cho nên cũng sẽ tạo ra áp lực giảm giá trong những tháng tới. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong hoạt động XK gạo của Thái Lan và Ấn Độ.
Giá gạo thế giới tiếp tục giảm là điều khó có thể tránh khỏi và đương nhiên phần khó sẽ được đẩy về phía các quốc gia xuất khẩu, trong đó có nước ta. Nói cách khác, sau 3 tháng đầu năm có lên, có xuống (dao động trong khoảng 615- 634 USD/tấn), việc giá gạo thế giới giảm mạnh xuống 577,2 USD/tấn trong tháng 4 và trên 510 USD/tấn trong 4 tuần đầu tháng 5 mới chỉ là bước khởi đầu, bởi áp lực giảm giá trong những tháng tới sẽ còn mạnh hơn nữa.
Về cường quốc XK gạo số 1 thế giới, để tránh cho giá lúa gạo trong nước rơi tự do sau cơn sốt nóng kỷ lục hồi tháng 4 và 5/2008, Chính phủ Thái lan đã tăng mua dự trữ khối lượng lúa lên tới 3,5 triệu tấn ở thời điểm giá gạo xuất khẩu của nước này đang dao động xung quanh 800 USD/tấn và từ cuối tháng 4 vừa qua đã có chương trình mở thầu bán 3,8 triệu tấn nhằm giảm lượng dự trữ và giảm bớt chi phí bảo quản khoảng 3,8- 5,5 triệu USD mỗi tháng.
Trong khi đó, vẫn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho dù sản lượng gạo của Thái Lan năm nay chỉ tăng 100 nghìn tấn, nhưng quốc gia này sẽ không thể xuất khẩu được 9,5 triệu tấn như dự báo hồi đầu năm, mà sẽ chỉ xuất khẩu 8,5 triệu tấn, tức là giảm tới 1,5 triệu tấn so với năm 2008. Điều này có nghĩa là, từ nay tới cuối năm, cường quốc xuất khẩu gạo số một thế giới này sẽ còn phải đẩy ra thị trường thế giới 5,6 triệu tấn gạo nữa.
Như vậy lượng gạo Thái Lan tung ra những tháng tới sẽ "nhấn chìm" thị trường gạo XK?
Kiểu gì quốc gia này sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới, trong khi dự trữ vẫn tăng vọt (tăng trên 900 nghìn tấn và hơn 40% so với năm 2008), cho nên đây sẽ là những yếu tố rất quan trọng "dìm" giá gạo thế giới xuống thấp.
Còn Ấn Độ thì sao, thưa ông. Nước này đâu có XK gạo nhiều?
Với “người khổng lồ” thứ hai thế giới trên cả ba phương diện dân số, sản lượng và tiêu dùng, khác khá xa so với các dự báo hồi đầu năm, Ấn Độ sẽ được mùa đáng kể, trong khi tiêu dùng tăng không nhiều, cho nên dự trữ tăng vọt và khối lượng gạo xuất khẩu sẽ nhích lên 2,5 triệu tấn gạo.
Xin cảm ơn ông!