00:00 Số lượt truy cập: 3229248

Giá phân bón ở ĐBSCL “leo thang”: Vẫn chưa có giải pháp hạ nhiệt 

Được đăng : 03/11/2016
ĐBSCL đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch lúa đông - xuân, nhu cầu phân bón ít, nhưng giá nhiều loại phân bón trên thị trường đã tăng mạnh. Vì sao phân bón liên tiếp tăng giá? Làm thế nào để hạ nhiệt thị trường này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!

Chưa vào mùa đã sốt

Theo lịch thời vụ, còn hơn 1 tháng nữa, nông dân ĐBSCL mới xuống giống hè thu chính vụ. Vậy mà rục rịch từ đầu năm, giá phân bón đã nhích lên. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2007, giá phân urê đã liên tục tăng và vượt xa mức giá cao nhất trong năm 2006.

Không chỉ phân urê mà các loại phân DAP nhập khẩu và phân NPK của các nhà máy trong nước cũng đã đồng loạt tăng giá mạnh, mức tăng bình quân 20.000–50.000 đồng/bao so với cuối năm 2006.

Ở các tỉnh ĐBSCL, dù sức mua yếu, nhưng giá phân urê Phú Mỹ bán lẻ, trả ngay bằng tiền mặt đã ở mức 280.000 đồng/bao; trả vào cuối vụ giá khoảng 295.000–300.000 đồng/bao; DAP (Trung Quốc) trả ngay bằng tiền mặt giá 350.000 đồng/bao, trả vào cuối vụ 360.000–370.000 đồng/bao. Một đại lý vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ cho biết, thực chất từ cuối vụ đông – xuân (cuối năm 2006), giá phân bón đã nhích lên rồi, nhưng không có nhiều  vốn nên ít đại lý nào mua dự trữ.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá: Các loại phân bón đang trong chu kỳ tăng giá mạnh. Trong đó, cao nhất là phân DAP và urê tăng 30%, kali 5-6%... Dù đã dự báo trước được chu kỳ phân bón tăng giá, các nhà máy sản xuất trong nước đã chủ động dự trữ một số lượng lớn phân NPK.

Tuy nhiên, phần dự trữ này vẫn thấp so với nhu cầu sản xuất, giá phân NPK vẫn tăng 15%. Hiện giá phân urê tại TP Cần Thơ, Bến Tre, An Giang đã đạt mức cao kỷ lục 300.000 đồng/bao; phân DAP 370.000 đồng/bao.

Chiều 2-4, trao đổi với PV Báo SGGP về nguyên nhân phân bón tăng giá, ông Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền, Phó Chủ tịch Hiệp Hội phân bón Việt Nam, cho biết: Một số nước có nền nông nghiệp lớn như: Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc đang vào vụ sản xuất chính nên nhu cầu phân bón tăng mạnh. Các nước này đã mua phân bón dự trữ. Từ đó, các nhà sản xuất phân bón trên thế giới đẩy giá bán tăng lên. Việt Nam cũng chịu sự tác động giá cả này. Nhất là khi các nhà máy sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu phân đạm của nông dân.

Phân bón tăng giá sẽ tác động  mạnh đến sản xuất nông nghiệp của khu vực phía Nam – đặc biệt là ĐBSCL, đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất hè – thu. Theo dự báo, đến cuối tháng 5 đầu tháng 6-2007, giá phân DAP và urê mới “hạ nhiệt”. Thời điểm này, chỉ có lợi cho một số cây công nghiệp trồng ở phía Bắc. Còn nông dân ở vựa lúa ĐBSCL sẽ “lãnh đủ” cơn sốt giá phân trong vụ sản xuất lúa hè – thu.

Nông dân  Lê Văn Bảy ở Châu Phú, An Giang than thở: “Năm nay giá gì cũng tăng, kiểu này hổng biết tới chính vụ, có nên xuống giống không”. Ông Bảy nhẩm tính: “Giá lúa đông – xuân hiện ở mức 3.000 đồng/kg mà còn chưa thấy lời bao nhiêu. Giá phân bón tăng kiểu này làm hè thu chắc lỗ chết!”.

Bao giờ chủ động được nguồn?

Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Thương mại), tốc độ tăng giá các loại vật tư như hiện nay sẽ tác động dây chuyền tới nhiều loại hàng hóa khác và khả năng tăng giá nhiều loại sản phẩm khác là có thể xảy ra trong thời gian tới. Nhưng làm gì để kìm lại cơn sốt leo thang giá phân bón đến giờ vẫn chưa có câu trả lời.

Đành rằng giá phân bón trong nước tăng là do giá nhập khẩu tăng, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao khi có nhiều nguồn giá rẻ hơn, có lợi cho nông dân thì các nhà nhập khẩu lại… bỏ qua. Một chuyên gia tính toán: với mức giá rẻ hơn các thị trường khác khoảng 20 USD/tấn, nếu nhập khẩu 200.000 tấn urê Trung Quốc,  có thể tiết kiệm khoảng 4 triệu USD.

Ngoài ra, nhập urê từ Trung Quốc cũng giảm bớt nguy cơ thua lỗ cho các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, urê Trung Quốc đã được ngành nông nghiệp kiểm tra, kết quả cho thấy chất lượng đạt yêu cầu, nhưng chúng ta lại thường xuyên nhập phân bón từ Trung Đông (hoặc từ Nga) với giá cao.

Giá phân bón đang tăng mạnh

Tuần qua, tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL giá phân bón tiếp tục tăng. Cụ thể, tại thị trường Cần Thơ, phân urê Trung Quốc tăng 130 đồng/kg đạt mức 5.680 đồng/kg; DAP Úc giá 6.850 đồng/kg tăng 50 đồng. Tại các tỉnh phía Bắc, nhu cầu phân bón hiện đang tăng mạnh do vào mùa cao điểm chăm sóc lúa của vụ đông - xuân. Giá phân bón tại các thị trường đã tăng từ 200-700 đồng/kg. Giá urê Trung Quốc đã tăng từ 5.200 lên 5.500 đồng/kg; DAP Trung Quốc tăng tới 700 đồng/kg, đạt mức 7.000 đồng/kg; lân tăng 100 đồng/kg, đạt mức 1.370 - 1.400 đồng/kg.

Từ tháng 4-2007, các doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu thêm 100.000 tấn phân bón.  Nhu cầu urê cho vụ hè - thu cả nước khoảng 420.000 tấn, trong đó, nguồn sản xuất trong nước và tồn kho có khoảng 320.000 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón và Nhà máy đạm Phú Mỹ đã điều chỉnh tăng giá bán phân urê từ 4.400 đồng/kg lên 4.900 đồng/kg.

Nguyên nhân tăng giá urê là do giá nhập khẩu tăng cao, chi phí đầu vào sản xuất phân urê trong nước cũng tăng do tác động của giá điện, than và cước vận chuyển. Ngoài ra, giá tăng cũng còn do nhu cầu phân urê cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc tăng mạnh.

T.M.T. (nguồn: Vinane)

Một vấn đề gút mắc hơn cần tháo gỡ, đó là sự chênh lệch giá bán giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu. Cuối tháng 10-2006, Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí giảm giá bán urê Phú Mỹ 130 đồng/kg, còn 3.960 đồng/kg; Nhà máy phân đạm Hà Bắc cũng giảm giá bán urê từ 3.900 đồng/kg xuống còn 3.760 đồng/kg.

Nhưng điều lạ lùng là việc điều chỉnh này đã bị nhiều nhà nhập khẩu cho là bán phá giá để gây khó khăn. Càng lạ hơn nữa khi bàn về vấn đề ổn định giá và đảm bảo nguồn phân urê cho vụ đông xuân vừa qua, Hiệp hội Phân bón cũng khuyến cáo các nhà sản xuất urê trong nước phải cân đối giá bán sản phẩm trong nước với nhập khẩu để tránh nguy cơ gây thua lỗ cho các nhà kinh doanh phân bón?

Theo Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, từ nay đến 2010, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 19,43 triệu tấn phân bón các loại để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp, chia ra mỗi năm gần 5 triệu tấn, chủ yếu là  phân urê (hơn 8 triệu tấn); kali (hơn 4 triệu tấn); phân đạm SA (hơn 3,7 triệu tấn); phân DAP và MAP gần 3 triệu tấn.

Để loại trừ khả năng chịu tác động của phân bón tăng giá trên thị trường thế giới,  ngoài việc kêu gọi “tấm lòng” các nhà nhập khẩu phân bón hướng về nông dân, không còn cách nào khác là chủ động nguồn sản xuất và cung cấp phân bón trong nước.

Hiện Việt Nam đang triển khai xây dựng 2 nhà máy sản xuất phân đạm ở Ninh Bình, Cà Mau và Nhà máy sản xuất phân DAP tại Hải Phòng.

Đến 2010, Việt Nam có thể sản xuất gần 30 triệu tấn phân bón các loại, chưa kể Nhà máy DAP Đình Vũ (công suất 330.000 tấn/năm) và Nhà máy phân đạm Bắc Giang dây chuyền mới (công suất 300.000 tấn/năm) nhưng các dự án này đang triển khai chậm.

Nếu không đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy này, đến 2010, giá phân bón trong nước vẫn rất khó bình ổn, và ngành sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là nông dân  sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của giá phân bón trên thế giới.