00:00 Số lượt truy cập: 2667396

Giải pháp chống hạn hữu hiệu: Tìm cây cần ít nước tưới. 

Được đăng : 03/11/2016

Chưa năm nào, tình hình hạn hán lại căng thẳng như năm nay, đe doạ đến tiến độ sản xuất vụ đông - xuân ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nghiêm trọng đến nỗi, Chính phủ phải tăng cường nguồn vốn và Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập Tổ chỉ đạo chống hạn do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật làm tổ trưởng. Các nhà máy thuỷ điện cũng "vào cuộc" bằng cách tăng cường lưu lượng xả, nhiều địa phương tập trung mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, bổ sung máy bơm dã chiến. Nhưng có lẽ, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay ở những vùng không thể đảm bảo đủ nước tưới là chuyển đổi sang những cây trồng có khả năng chịu hạn cao nhất.


Thay lúa bằng bưởi, lạc
Đó là cách làm của huyện Chương Mỹ (Hà Tây) trong tình cảnh nước “quý” hơn vàng. Xã Nam Phương Tiến, một trong những địa phương có diện tích lúa bị hạn nhiều nhất đã “xung phong” chuyển đổi đầu tiên. Toàn xã có 370ha lúa nhưng nguồn nước từ sông Bùi và hồ đập Miễu chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, lãnh đạo Hợp tác xã Nam Phương Tiến đã lập kế hoạch giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đầu tháng 9/2006, 65ha chuyên trồng lúa ở vùng cao được chuyển sang trồng bưởi Diễn với sự hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Dục, Chủ nhiệm HTX: “Cây bưởi rất thích hợp với điều kiện đất cao ráo, khô hạn lại cho giá trị kinh tế cao nên chúng tôi đã giúp bà con chuyển đổi phần lớn những vùng khô hạn không cấy được lúa sang trồng bưởi Diễn”. Ngoài ra, còn có 24ha được dành cho lạc, đậu và ngô. Hiện bưởi đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Bà Lê Thị Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chương Mỹ, cho biết: “Toàn huyện có khoảng 17.600ha cấy lúa. Vụ xuân 2007 do khô hạn nặng, huyện đã tiến hành chỉ đạo chuyển một số diện tích sang trồng các loại cây ăn quả và hoa màu. Đến nay, đã có 6/32 xã đăng ký chuyển 106, 9ha sang trồng hoa màu, 200-250ha trồng bưởi; tập trung tại các xã Mỹ Lương, Tốt Động, Hữu Văn, Nam Phương Tiến, Thuỷ Xuân Tiên và Đông Phương Yên... Tại một số xã, tỷ lệ bưởi sống đạt 100%”.

Rau - màu "lên ngôi"
Hải Dương cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt hạn hán này. Nhiều huyện như Cẩm Giàng, Thanh Miện phải bơm nước ngược từ sông ngoài vào hệ thống kênh tiêu, rồi bơm tiếp lên đồng. Vụ xuân 2007, tỉnh phấn đấu gieo cấy 65.800ha lúa nhưng do chỉ mới hoàn thành 78% khối lượng nạo vét kênh mương (1, 47 triệu mét khối) nên công tác tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Để chủ động phòng chống hạn, huyện Chí Linh đã xây dựng phương án đặt các trạm bơm dã chiến kết hợp với các trạm bơm cố định, khi cần sẽ ‘’bơm 2 cấp’’ lấy nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, một trong những giải pháp tỉnh rất coi trọng là chuyển đổi một số diện tích khó khăn về nước sang trồng một số loại cây có khả năng tiết kiệm nước cao. Tại “điểm nóng” về chống hạn ở 18 xã phía Bắc Quốc lộ 18 thuộc huyện Chí Linh, bà con đã mạnh dạn bỏ lúa, chuyển sang trồng lạc. Tại xã Cộng Hoà, mô hình trồng lạc chống hạn đã được triển khai từ năm 2005 vẫn cho kết quả tốt. Năm nay, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sang một số xã chịu hạn nặng. Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp huyện, chỉ riêng ở xã Cộng Hoà, sau khi chuyển 340ha đất cao hạn sang trồng lạc đã thu lợi khoảng 6, 5 tỷ đồng.

Tỉnh Hà Nam có tới 3 huyện “trọng điểm” thiếu nước là Kim Bảng, Lý Nhân và Duy Tiên. Chính vì vậy, ngoài những biện pháp chống hạn như nạo vét kênh mương, duy tu cầu cống, tỉnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu sang trồng bí xanh và dưa chuột (dự kiến năm nay sẽ chuyển đổi khoảng 1.000ha). Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nam: “Tuy trồng bí và dưa có tốn công hơn, nhưng bù lại đỡ lo nước tưới nhiều như lúa mà hiệu quả cao hơn gấp 4 - 5 lần”. Tại huyện Kim Bảng, Khả Phong là xã tiên phong trong phong trào này, diện tích ngô, đậu tương, dưa chuột,... ngày càng tăng, dự kiến vụ đông xuân năm nay, riêng cây rau – màu đã cho thu nhập gấp 3 - 5 lần trồng lúa.

Nằm ở hạ lưu sông Hồng, không bức bách nguồn nước như Hà Nam và nhiều tỉnh thượng nguồn khác, nhưng tỉnh Thái Bình đang rộ lên phong trào chuyển sang trồng cây khoai tây, tập trung nhất ở huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Hưng Hà,... ông Nguyễn Thế Hoà, Phó giám đốc Sở NN -PTNT Thái Bình cho biết: “Tỉnh chú trọng chuyển đổi lúa sang trồng cây khoai tây, ngoài ra là cây ngô, đậu tương và rau quả. Trong tổng số 32.000ha vụ đông 2006 và 82.000ha vụ xuân 2007, Thái Bình duy trì trên 5.000ha chuyển sang cây khoai tây. Có thể nói, lợi ích trồng khoai tây rất cao, tiêu thụ và xuất khẩu đều tốt, hơn nữa lượng nước tưới khoai tây chỉ bằng từ 1/5 đến 1/10 so với lúa...”.

Từ những cách làm trên cho thấy, bà con vẫn có thể trúng mùa nếu các ngành chức năng biết cách chỉ đạo kịp thời, vận dụng linh hoạt cơ cấu giống cây trồng để vừa tiết kiệm nước vừa mang lại hiệu quả.