Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vinh vào một ngày đầu tháng 6, nghe anh tâm sự để có được cơ sở như ngày hôm nay anh chị đã trải qua nhưng tháng ngày vất vả. Trước kia gia đình anh chỉ làm ruộng, chăn nuôi lợn, gà, làm thuê nhưng cũng không đủ ăn, điều kiện kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ, bàn bạc với gia đình, anh nhận thấy người dân nuôi cá trong vùng phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp cá giống từ dưới xuôi đưa lên. Anh quyết tâm học hỏi kinh nghiệm ương cá giống từ một người họ hàng. Đến đầu năm 1988, anh chị vay mượn được 3 triệu đồng làm vốn và cải tạo hơn 1 sào ao để ương, nuôi cá giống.
Lúc đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh gặp nhiều rủi ro. Anh chia sẻ: Có khi thả cá bột xuống ao gặp mưa to cá chết hàng loạt; có đợt do thiếu cá giống phải lấy cá dài về không may nhiễm bệnh, cá chết phải đền cho người nuôi… Nhưng anh chị vẫn quyết tâm theo đuổi nghề cá. Nhờ chịu khó học hỏi, đọc sách, báo, tài liệu, kết hợp với thực tế sản xuất, dần dần anh đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm ương cá giống. Thấy nuôi cá giống cho hiệu quả kinh tế cao, khi làm ăn có lãi, anh tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất, mở rộng hệ thống ao. Anh tìm cách mua và dồn đổi dần ruộng đất cho các hộ khác gần nhà cho liền ô, liền khoảnh để đào ao nuôi cá, tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ. Đến nay anh đã có hơn 6.000m2 mặt nước. Để làm ăn hiệu quả bền vững, anh chị mạnh dạn đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống ao, chia thành 7 ao có bờ chắc chắn, mỗi ao nuôi một loại cá giống khác nhau, với các giống như trắm cỏ, trôi, chép, chim trắng, ba ba…
Hàng năm, anh nuôi được 6 - 8 lứa cá, thời gian ương từ tháng 3 đến tháng 11. Để có được nguồn cá chất lượng tốt, anh Vinh liên kết với những trại sản xuất cá giống có uy tín trong và ngoài tỉnh mua cá bột về nuôi. Tuỳ giống cá, thời vụ, yêu cầu của khách hàng mà anh ương thành cá hương hay cá giống để cung cấp cho người nuôi. Cũng từ việc nhập được nguồn cá tốt và chăm sóc đúng kỹ thuật nên trại cá giống của gia đình anh đã tạo được uy tín với khách hàng, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, lúc đầu là các xã phía bắc huyện Đại Từ, nay vươn sang các huyện lân cận như Phú Lương, Định Hoá và Sơn Dương (Tuyên Quang). Mỗi năm, gia đình anh Vinh cung cấp cho thị trường 2 - 3 tấn cá giống; trong những năm gần đây thu nhập hàng năm từ ương cá giống sau khi trừ đi các khoản chi phí là khoảng 120 đến 150 triệu đồng. Gia đình anh chở thành hộ có thu nhập cao trong xã.
Đầu năm 2009, nhờ cán bộ khuyến nông huyện giới thiệu anh Vinh tìm hiểu và nuôi thử 100 con ba ba thịt (giống ba ba trơn). Qua 2 năm anh thu được 1,5 tạ ba ba thịt. Nhờ ba ba được giá cao (380.000 đồng/kg) anh bán được gần 570 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lãi 250 triệu đồng. Thấy anh nuôi ba ba cho thu nhập cao, nhiều hộ đến học hỏi kinh nghiệm, đặt mua con giống. Anh, chị mở rộng quy mô sản xuất nuôi thêm ba ba giống và nhận là đầu mối thu mua ba ba thịt khi người dân có sản phẩm bán. Anh cho biết, nuôi ba ba thịt phải 2 năm mới đạt trọng lượng bán. Nuôi ba ba giống từ lúc 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi thì bán cho bà con. Nuôi ba ba giống đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nhưng cho lãi cao hơn nuôi thịt. Hiện nay, trong trại của anh có khoảng 100 con ba ba thịt 1 năm tuổi và 700 con ba ba giống (ba ba trơn), trên 20 vạn cá bột, cá hương các loại như cá trắm, chép, trôi… Nhờ nuôi thêm ba ba giống, ba ba thịt, thu mua sản phẩm ba ba thịt, gia đình anh có lợi nhuận ổn định khoảng 250 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Được biết trong tháng 6 năm 2011, Phòng nông nghiệp huyện Đại Từ hỗ trợ gia đình anh nuôi 1.500 con ba ba thịt thương phẩm làm ô mẫu trình diễn để khuyến cáo cho người dân trong huyện.