00:00 Số lượt truy cập: 2690157

Gieo khát vọng làm giàu trên đất 

Được đăng : 03/11/2016
Sau bao lần thất bại, từng có ý định bỏ cuộc nhưng cuối cùng bằng sức trẻ và lòng quyết tâm, anh Lê Văn Chủ, 33 tuổi ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú (Ứng Hòa -Hà Nội) đã thành công với mô hình đa canh lúa - cá - vịt. Từ sự thành công này, anh được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2008.

Anh Chủ cùng giải thưởng của Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Giấc mơ làm giàu

Con đường nhựa êm ru đưa chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Chủ. Tiếp chúng tôi, anh Chủ hồ hởi kể về cơ ngơi rộng 2,7 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), bao gồm ao thả cá, chuồng vịt, nhà kho... Theo tay anh chỉ, trước mắt chúng tôi là khu ao thả cá lớn, trên mặt nước hàng nghìn con vịt đang tung tăng bơi lội.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng, là anh cả trong một gia đình có 4 anh em, tuổi thơ của anh gắn liền với đồng ruộng. Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, có trong tay ít vốn cộng thêm những kiến thức học được trong quân ngũ, anh mạnh dạn đầu tư làm trang trại.

Anh Chủ kể: “ước mơ làm giàu từ đồng ruộng của tôi đã có từ lâu. Đầu năm 2001, khi UBND huyện thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát triển kinh tế trang trại. Tôi đã mạnh dạn đăng ký với xã nhận toàn bộ số đất của gia đình và những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, gom lại thành một khu rộng 2,7 mẫu để làm trang trại”.

Dám nghĩ, dám làm

Sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, anh Chủ quyết định vay 20 triệu đồng từ ngân hàng và vay thêm 50 triệu đồng của người thân, bạn bè thuê máy đào ao, khoanh vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một trang trại quy mô dần hình thành trước con mắt nghi ngại của nhiều người.

Một góc trang trại của anh Chủ.


Ban đầu, do nguồn vốn, kinh nghiệm còn hạn chế nên anh chỉ nuôi vài trăm con vịt siêu trứng, ít cá và vài con lợn. Vừa làm vừa học, Chủ dành thời gian đi tham quan mô hình điểm ở nhiều nơi, thấy ở đâu có cách làm hay là đến thăm, học kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng vào mô hình của mình. Cẩn thận là vậy mà Chủ vẫn không phải nếm trải thất bại. Có lần anh quyết định đầu tư lớn với hàng nghìn con vịt, 20 vạn cá giống và 5 tạ lợn giống. Khi cá, vịt, lợn đang chuẩn bị cho thu hoạch thì tai hoạ ập đến. Chủ nhớ lại: “Đúng lúc tôi tìm được nơi tiêu thụ thì dịch cúm gia cầm bùng phát, nhìn hàng nghìn con vịt bị tiêu huỷ mà lòng đau như cắt. May mà tôi nhận được sự động viên, giúp đỡ của gia đình và chính quyền địa phương nên gượng dậy được. Tôi nghĩ mình còn trẻ, có sức khoẻ, phải kiên trì vượt khó”. Sau thất bại đó, anh Chủ lên Hà Nội học ngành quản lý kinh tế nông nghiệp. Sau khi có bằng đại học và tích luỹ được kiến thức thực tế, anh quyết định đổi hướng, tập trung vào nuôi các loại cá có giá trị, thị trường tiêu thụ ổn định như rô phi đơn tính, cá chép V1 và nuôi vịt siêu trứng.

Kiên trì với hướng đi đã chọn, trang trại của Chủ dần mở rộng sản xuất, cho năng suất ổn định, cung cấp lượng thuỷ sản, thịt, trứng lớn cho thị trường. Hiện, trang trại cho thu lãi hàng tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động và 300 lao động thời vụ.

Anh Chủ chia sẻ: “Muốn thành công từ nông nghiệp, trước tiên cần tích cực học tập, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, kiên trì khắc phục những khó khăn bước đầu. Mạnh dạn đầu tư nhưng phải dựa trên khoa học kỹ thuật và hiệu quả từ các mô hình điển hình”.

Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Phương Tú nhận xét: “Trang trại của anh Chủ thực sự là mô hình tiêu biểu cho quá trình dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đến nay, xã đã chuyển đổi thành công 175ha, trong đó phải kể đến việc nhiều thanh niên xung phong nhận những vùng đất xấu, đất trũng khó canh tác”.

Từ mô hình đa canh của anh Chủ, hiện xã Phương Tú đã xuất hiện nhiều người làm kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, xã đã có trên 50 hộ phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.