Trung tâm KNKN Quốc gia cho biết, vụ xuân 2009 diện tích lúa gieo thẳng ở các tỉnh ĐBSH đạt 45.740/542.000ha, chiếm 8,4% diện tích toàn vùng tăng 16,6% so với vụ xuân 2008. Các tỉnh có diện tích gieo thẳng lớn là Hải Dương 22.000 ha, Hưng Yên 7.900 ha, Thái Bình 4.200 ha, Hà Nội 3.600 ha…Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa gieo thẳng cao hơn lúa cấy từ 10 - 12%, bình quân đạt 64 - 65 tạ/ha.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, PGĐ Trung tâm KNKN QG cho rằng, một số tỉnh có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận TBKT mới, như Hà Nội hỗ trợ 1.000 công cụ sạ hàng, Quảng Ninh hỗ trợ 60% công cụ sạ hàng, 50% thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV…Tuy nhiên không ít địa phương triển khai chưa quyết liệt, diện tích gieo thẳng vẫn cầm chừng; một phần do cán bộ kỹ thuật thiếu và yếu. “Đây là bước đột phá trong thâm canh lúa ở miền Bắc nhằm nâng cao hiệu quả SX, chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng nông dân, quyết tâm đi theo chương trình tới cùng để giành thắng lợi”.
Ông Lâm cũng khẳng định, đối với chương trình thâm canh lúa tổng hợp ở địa phương, Trung tâm chỉ hỗ trợ kinh phí đầu tư công cụ gieo thẳng và máy gặt đập liên hợp, không hỗ trợ mua máy cày đất như trước; phân bổ kinh phí tập huấn ưu tiên cho sạ hàng.
Nhận xét về gieo thẳng, ông Lại Văn Hiếu- PGĐ Trung tâm KN Hà Nam cho rằng, đây là mô hình lan toả mạnh so với nhiều mô hình khuyến nông khác, bởi biện pháp gieo thẳng giảm công lao động, giảm áp lực thời vụ, rút ngắn TGST 7 - 10 ngày, năng suất cao hơn 10 - 15% so lúa cấy. Từ 2007 đến nay nông dân thấy hiệu quả đã tự bỏ tiền đầu tư 300 giàn sạ. “Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán lạc hậu của nông dân. Bởi đã xảy ra một số trường hợp gieo thẳng xong lúa lên chậm, trong khi dân thừa mạ sốt ruột phá đi cấy lại. HTX phải dừng bơm nước vào kênh để dân không có nước cấy lại. Ở Hà Nam bình quân ruộng nông hộ rất ít, khi sạ xong nông dân thiếu việc lại ra ruộng dặm tỉa, sau lại phải nhổ đi”-ông Hiếu nói.
Trung tâm KN-KN QG đã quyết định trao Giấy khen cho TTKN Hà Nội, TT KN-KN Bắc Ninh, HTX DVNN Bình Minh (xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam), 2 cán bộ thuộc TTKN Hà Nội, TTKN Hà Nam và 6 nông dân có thành tích xuất sắc trong SX lúa bằng công cụ gieo sạ hàng đạt năng suất cao vụ xuân 2009.
Đại diện TTKN tỉnh Hải Dương cho rằng, Hải Dương có truyền thống gieo vãi hơn 40 năm. Nay bảo dân cấy họ nhất quyết không nghe bởi gieo vãi bằng tay đã “nghệ thuật”. Từ năm 2007 một số địa phương trong tỉnh đã hưởng ứng gieo thẳng bằng máy kéo tay. Biện pháp này có ưu điểm là giảm giống, giảm công lao động, thời gian gieo thẳng chỉ 8 - 10 phút/sào; trong khi gieo vãi mất 20 phút. Đối với áp dụng gieo thẳng quan trọng nhất là đồng ruộng phải bằng phẳng, chủ động tưới tiêu, gieo cùng cùng giống, cùng trà nhằm hạn chế sâu bệnh…
TS Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng khẳng định, gieo thẳng là cuộc cách mạng mới trong canh tác lúa ở ĐBSH. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy trình kỹ thuật chính thức. Về kỹ thuật cần lưu ý khi xử lí giống, kích thước mạ; thời vụ gieo thời điểm nào để hạn chế rét muộn vụ xuân, tránh lúa trỗ thời điểm nắng nóng…Mặt khác cần nghiên cứu máy sạ hàng phù hợp điều kiện canh tác ĐBSH. Đặc thù miền Bắc là đồng ruộng manh mún, nhiều nơi không chủ động tưới tiêu, nếu dồn điền đổi thửa, tổ chức lại SX; nhất là khâu dịch vụ thì gieo thẳng chắc chắn đạt hiệu quả cao.
Miền Bắc: Mục tiêu gieo thẳng 60 - 70% Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Bùi Bá Bổng biểu dương lãnh đạo các tỉnh ĐBSH, hệ thống khuyến nông; đặc biệt là bà con nông dân đã tiếp thu TBKT gieo thẳng, mạnh dạn thay thế phương pháp cấy lúa cổ truyền. Phải khẳng định biện pháp gieo thẳng giảm công lao động, nhất là đối với phụ nữ; hơn nữa tiết kiệm chi phí SX, nâng cao thu nhập. Về kỹ thuật gieo thẳng nông dân miền Bắc vẫn chưa quen, vì vậy hệ thống khuyến nông phải hướng dẫn cho họ cách làm; đồng thời xây dựng quy trình cụ thể đối với từng vùng để thâm canh đạt kết quả cao nhất. Biện pháp này đã mở ra dịch vụ làm đất, giống, thuốc BVTV cho nông dân. Để đảm bảo tính an toàn, sau gieo 15 ngày mới bàn giao lại ruộng cho dân chăm sóc. Thứ trưởng cũng lưu ý các tỉnh cần đầu tư chỉnh trang đồng ruộng, củng cố tưới tiêu nội đồng để việc gieo thẳng đạt hiệu quả. Mục tiêu của Bộ NN - PTNT, phấn đấu diện tích gieo thẳng ở miền Bắc đạt 60 - 70% là rất khả thi. Trung tâm KNKN QG coi đây là chương trình quốc gia để đầu tư mạnh cho mô hình này.