00:00 Số lượt truy cập: 2681349

Gương làm giàu của một gia đình giáo dân 

Được đăng : 03/11/2016
 Vượt quãng đường chừng 20 km từ trung tâm huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chúng tôi tới thăm gia đình anh Lê Đức Bắc ở xóm Trung Nam, xã miền núi Quang Thành vào một chiều hè oi bức. Ra đón chúng tôi là một phụ nữ, dáng người mảnh dẻ với nụ cười tươi rói. Bắt tay chúng tôi, chị cho biết, anh Bắc - chồng chị đang kiểm tra ao cá giống để thay nước cho lứa cá rô phi 21 ngày tuổi - sản phẩm đầu tay của gia đình cho ấp nở.

Đầu tiên chúng tôi được tham quan một bầy lợn béo đẹp chuẩn bị xuất chuồng lứa thứ 2 trong năm và 4 con lợn nái. Tiếp đến là ao nuôi cá rô phi bố mẹ, nhà kỹ thuật với hệ thống dàn khay cho ấp nở cá giống và ao ương 21 ngày tuổi sau khi đã xử lý hoóc môn chuyển giới tính…

Ngắm nhìn những thửa ruộng lúa Hè Thu xanh ngát đang kỳ làm đòng, âm thanh của bầy cá quậy xa xa trong ruộng lúa, gió lộng từ phía tây nam mang hơi nước từ con đập Hang Đá về làm dịu đi cái nắng oi nồng của mùa hè, gợi cho anh Bắc nhớ lại những kỷ niệm thời xa vắng. Anh tâm sự: Bố anh vốn là đảng viên cốt cán của vùng đồng bào giáo dân này. Ông là chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp - một con người năng động, có uy tín, dám nghĩ, dám làm thời bao cấp. Chính ông cùng một số người khác đã đi đầu trong phong trào khai hoang làm nông trang, nông trại. Con đập nước Hang Đá này là một trong những công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của nhân dân trong vùng; cùng với cánh đồng xóm Trung Nam, trong đó có diện tích trang trại do vợ chồng anh Đức quản lý sử dụng là một minh chứng. Năm 1994, anh rời quân ngũ về quê cưới vợ, sinh con và làm nông nghiệp thuần tuý với 4 sào ruộng, nuôi thêm vài con lợn, gà, vịt. Cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn, ước mơ thoát nghèo khiến anh nhiều đêm thức trắng mà vẫn chưa tìm được lối ra.

Năm 2007, anh quyết định làm kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, lúc đầu vợ anh cũng lo lắng vì hoàn cảnh gia đình vợ yếu, con thơ, anh lại chưa có kiến thức về chăn nuôi, nuôi thuỷ sản…Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, của Uỷ ban nhân dân xã, Trạm Khuyến nông xã, Trạm Khuyến nông huyện, anh đã lập được dự án phát triển kinh tế trang trại, xây dựng kế hoạch sản xuất và cách làm ăn cụ thể… Sau khi dự án được phê duyệt với diện tích đầu thầu 2,8 ha trong 20 năm, anh đã được ngân hàng cho vay 70 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi lợn với hình thức khép kín từ khâu giống đến khâu nuôi thịt, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa với hơn 6 tấn lợn hơi cho tổng thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi gần 40 triệu đồng. Đối với diện tích nuôi cá, anh Bắc nói vui "làm chơi ăn thật". Với diện tích 8 sào chuyên nuôi cá và 15 sào nuôi cá xen lúa, nhờ có sản phẩm phụ từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm trừ chi phí cũng cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

Năm 2008, được sự giúp đỡ về kinh phí và chuyển giao kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện và Sở Thuỷ sản Nghệ An, anh Bắc đã sản xuất thành công giống cá rô phi đơn tính đực, xuất bán cho bà con lân cận với giá thấp và đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Với sự chủ động về con giống, chắc chắn thu nhập từ nuôi cá sẽ cao hơn những năm trước. Khi được hỏi về thu nhập từ lúa, hoa màu và chăn nuôi gà, vịt, vợ anh vui vẻ cho hay: Vùng đất này nguồn gốc là đất khai hoang, bạc màu nghèo dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng, năng suất lúa và màu thường thấp nhưng nhờ nguồn phân bón dồi dào từ chăn nuôi nên mỗi năm thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Riêng nguồn thu từ chăn nuôi gia cầm, chủ yếu để cải thiện đời sống, mua sách vở cho con học hành và chi phí sinh hoạt hàng ngày nên không tính.

Nghe vợ chồng anh Bắc chia sẻ, ai nấy đều vui lây, chúng tôi nhẩm tính một năm gia đình anh có tổng thu trên 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, trả lãi ngân hàng, trả công lao động thời vụ, gia đình anh lãi khoảng 80 triệu đồng. Tại nhà anh Bắc, có anh Thành - người cùng xã là đồng nghiệp trong hội trang trại với anh Bắc cho biết thêm: Gia đình anh Bắc vừa mua chiếc ô tô tải trị giá trên 230 triệu đồng, do anh tự lái để phục vụ sản xuất và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ, đồng thời nhận chuyển vật liệu xây dựng cho nhân dân trong vùng.

Bàn về kế hoạch làm ăn trong thời gian tới, anh Bắc dự định sẽ đầu tư kinh phí để củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng: xây thêm chuồng trại, xây kè bờ ao cá, đầu tư quy mô đàn vịt siêu trứng khoảng 300 - 500 con, tăng đàn lợn nái lên 7 - 10 con, quy hoạch thêm diện tích mương nuôi cá xen lúa, thuê thêm 3 - 7 lao động thời vụ và anh sẽ tham gia khoá đào tạo về kiến thức phát triển kinh tế trang trại.

Mặt trời đã gác núi, chia tay gia đình anh Bắc, chúng tôi chúc cho kế hoạch làm ăn của vợ chồng anh ngày càng thành công hơn. Chạy xe trên con đường đầy bụi, cái oi bức của mùa hè hình như đã dịu đi phần nào bởi ấn tượng tốt đẹp về gương làm ăn giỏi của một gia đình giáo dân thời hội nhập.