00:00 Số lượt truy cập: 2668518

Hà Tây - Hiệu quả ứng dụng công nghệ vào đồng ruộng 

Được đăng : 03/11/2016

Trong thời gian qua, ngành Khoa học Công nghệ (KHCN) luôn đổi mới hoạt động quản lý khoa học nhằm gắn chặt nghiên cứu, triển khai ứng dụng KHCN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Từ năm 2006 đến nay, một số dự án được triển khai trên địa bàn quy mô lớn, có tính đột phá, mạnh dạn ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, giải quyết được những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.

Ứng dụng kỹ thuật vào xây dựng mô hình sản xuất giống cá rô phi đơn tính và nuôi cá thương phẩm ở vùng úng trũng xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức được triển khai trong thời gian 3 năm (2007 - 2009). Quy trình khép kín sản xuất giống cá rô phi đơn tính đủ cung cấp cho chính dự án và huyện Mỹ Đức, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm tạo ra hiệu quả. Đầu tư ban đầu vào ngành Thủy sản phải đối mặt với rủi ro về thời tiết 3 tháng mùa đông của miền Bắc, rồi mùa mưa lũ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi trồng, nhưng thủy sản đã trở thành "nghiệp" của chị Phùng Thị Tuyết, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hải Lê.

Say mê với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống và thâm canh cá rô phi đơn tính, DN đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng tại xã Tuy Lai để nuôi loại cá này. Rô phi là loài cá dễ nuôi và phổ biến, nuôi thâm canh có thể đạt trên 20 tấn/ha, cho thu nhập gấp 4 lần so với trồng lúa, tạo việc làm cho bà con nông dân. Dự án được thực hiện, hằng năm sẽ cung cấp khoảng 3 triệu con giống cá rô phi đơn tính... cung cấp cho các hộ xã viên trong vùng đang chuyển dịch diện tích đất úng trũng trồng lúa kém hiệu quả, sang nuôi trồng thủy sản; mô hình lúa cá sẽ đem lại hiệu quả khai thác đất đai của vùng trũng Tuy Lai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng nguồn thu cho địa phương và mỗi gia đình.

Công nghệ nuôi cá áp dụng sản phẩm nghiên cứu của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, với kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng công nghệ mới, cùng với việc đầu tư xây dựng hồ, ao nuôi theo tiêu chuẩn, việc tuyển chọn cá bố mẹ thả vào ao, lồng nuôi đến chăm sóc trong quá trình nuôi phải theo quy trình công nghệ từ thức ăn cho cá đến việc quản lý môi trường khu vực ao nuôi. Sở KH&CN đã quyết định hỗ trợ  850 triệu đồng cho dự án triển khai bước đầu đạt kết quả cao.

Chị Bùi Hường Bích, Chủ nhiệm HTX Đan Hoài - Giám đốc Cty TNHH Hoa Flora Việt Nam (Đan Phượng) bộc bạch: Qua nhiều lần chuyển đổi, đến nay, trại lợn thường xuyên có 200 lợn nái và 1.000 lợn thịt. Trại rộng hơn 2ha, HTX có 21 xã viên, sản phẩm của HTX gồm lợn giống và lợn thịt cung cấp hầu khắp các tỉnh trong cả nước. Đầu tư sản xuất nông nghiệp là khá vất vả, ngoài những yếu tố chủ quan còn chịu ảnh hưởng không nhỏ vào thời tiết. Vẫn ruộng đất đó, 1m2 ruộng đất ở đây cho hiệu quả gấp hai, ba lần trang trại khác, đó là kinh nghiệm chị học được sau những lần đi khảo sát thực tế, tìm đối tác liên doanh tại các nước trong khu vực châu Á.

Ý tưởng ban đầu khi đầu tư về đây là chăn nuôi lợn xuất khẩu, lợn sạch cung cấp cho thị trường trong nước. Từ đó nảy sinh thêm việc trồng hoa sau những lần chị đi học tập kinh nghiệm, tìm đối tác làm ăn. Ngay tại mô hình sản xuất hoa của HTX cũng đã cho ra đời hàng nghìn chậu hoa quý, có giá trị kinh tế cao. Hoa lan của trại hoa Đan Hoài không những đẹp, mà giá cả cạnh tranh được với hoa Đà Lạt.

Năm 2006, Dự án "Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao" bước đầu hình thành trên địa bàn tỉnh Hà Tây từ khuôn viên của HTX Đan Hoài. Hiện tại, mô hình HTX sản xuất hoa đã có thiết bị, nhà xưởng rộng hơn 1.000m2. Lan trồng theo phương pháp nuôi cấy mô cho nhiều hoa, cánh hoa to và màu sắc đẹp nên rất được ưa chuộng.

Năm 2007, trại hoa Flora Việt Nam cung cấp ra thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc hơn 90.000 giò hoa lan các loại. Bà con xã viên rất phấn khởi, yên tâm vì công việc ổn định, thu nhập đạt khá. Đặc biệt, xã viên học được kinh nghiệm sản xuất hoa theo qui trình công nghiệp, giảm bớt sự vất vả trên mảnh đất quê mình như trước đây. Mô hình của HTX trồng hoa đã tạo ra cách làm ăn mới cho người nông dân vừa không mất nhiều vốn đầu tư, vừa có nhiều kinh nghiệm sản xuất mới. Không chỉ sản xuất, chăm sóc các loại hoa lan theo một quy trình chuẩn, mà Dự án trên còn được tiến hành thử nghiệm với các loại hoa cao cấp cắt cành hiện có tại Việt Nam.

Sau khi có kết quả thử nghiệm tại trang trại, HTX tiếp tục mở rộng Dự án trồng hoa thêm 10ha hoa cắt cành tại một số địa phương, chủ yếu áp dụng hình thức: Chuyển giao giống, vốn, kỹ thuật cho bà con nông dân trên địa bàn và trang trại là đầu mối thu gom sản phẩm, tiêu thụ cho người nông dân.