00:00 Số lượt truy cập: 2661819

Hà Tĩnh: Thắng đậm từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016
Chúng tôi đến cánh đồng của Tổ hợp tác (THT) Nuôi trồng thủy sản Hợp Lực, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đúng vào lúc thu hoạch tôm vụ thu, các xã viên đang vận chuyển tôm lên chiếc xe đông lạnh đang chờ sẵn trên bờ...

Gạt vột những giọt mồ hôi trên trán, anh Trương Đặng Tiệp, Tổ trưởng THT Hợp Lực vui mừng, chia sẻ: “Vụ tôm Thu năm nay, chúng tôi đưa vào nuôi toàn bộ diện tích 2 ha (3 hồ) giống tôm thẻ chân trắng. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ cũng như nghiêm ngặt trong việc lựa chọn con giống, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên cả vụ không hề có dịch bệnh, tôm phát triển rất đều, năng suất đạt 10 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 20 tấn. Với giá trung bình khoảng 120 ngàn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí, đơn vị thu lợi gần 1,7 tỷ đồng”. Được biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của THT Nuôi trồng thủy sản Hợp Lực là một trong những mô hình được đầu tư theo công nghệ cao nên năng suất mỗi vụ đạt rất cao, ít dịch bệnh.

Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, những năm qua ngoài chính sách của tỉnh huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ, từ đó đã tạo "cú hích" người dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghiệp, năng suất cao. Điều đó được minh chứng qua những năm gần đây, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có quy mô lớn, cho năng suất cao xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương như: Cẩm Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Lĩnh...

Chỉ mới nuôi tôm vụ đầu tiên nhưng đến nay, HTX Nuôi trồng thủy sản Cẩm Dương đã bỏ ra gần 4 tỷ đồng để đầu tư lót bạt gần 2,5 ha. Ông Dương Chí Dũng - Chủ nhiệm HTX cho biết: “Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi xác định phải thực hiện nghiêm túc các quy trình nuôi. Sau hơn 2 tháng, nhờ thời tiết thuận lợi nên tôm phát triển rất tốt, tổng sản lượng đạt hơn 12 tấn”.

Theo anh Nguyễn Hữu Minh - Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên: Năm nay thời tiết không được thuận lợn nhưng nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật người nuôi tôm các xã ở huyện Cẩm Xuyên vẫn được mùa. Đến thời điểm này, các hộ thu hoạch tỉa để giảm bớt mật động nhưng ước tính năng suất trung bình đạt 2 tấn/ha. Kết quả này, ngoài nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn còn có động lực từ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ mà huyện triển khai. Nhiều hộ nuôi trên địa bàn đã tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ để cải tạo ao đầm, chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh sang thâm canh.

Thắng lợi lớn nhất của Cẩm Xuyên trong vụ tôm năm nay chính là sự thay đổi về tư duy của người nuôi tôm. Người dân đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư con giống, nâng cấp ao đầm để nuôi tôm theo công nghệ cao. Diện tích nuôi quảng canh ngày càng thu hẹp để chuyển dần sang bán thâm canh và thâm canh.

Ngô Thắng