00:00 Số lượt truy cập: 3228364

Hải Dương; Sôi nổi phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Ninh Giang 

Được đăng : 03/11/2016
Việc những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đứng ra nhận giúp đỡ hội viên nghèo thông qua việc cho vay tiền không lấy lãi; mua cây, con giống trả chậm... đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo...

Ông Trần Văn Chắn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Ninh Giang đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ếch của anh Đỗ Văn Hướng, hội viên HND ở thôn Tam Tập, xã Tân Phong. Đây là 1 trong 8 mô hình nuôi ếch đạt hiệu quả kinh tế cao ở huyện. Đầu năm 2009, tình cờ anh Hướng biết một số mô hình nuôi ếch giống hiệu quả ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách nên mạnh dạn mua ếch giống về nuôi. Khác với mọi người là nuôi ếch trong vườn, trong bể, anh Hướng lại chọn cách nuôi ếch trong lồng. Lồng nuôi ếch được thiết kế với kích thước to, nhỏ khác nhau. Xung quanh bờ ao anh trồng cây ăn quả vừa tạo bóng mát cho ếch vào mùa nắng. Anh Hướng cho biết, việc nuôi ếch bằng lồng lưới sẽ tận dụng được diện tích để nuôi cá, tiết kiệm thức ăn thừa cho cá. Ban đầu do có ít vốn nên anh chỉ nuôi gần 1 vạn con. Trong quá trình nuôi, anh được HND xã hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật nuôi, đồng thời anh cũng tham gia tích cực các buổi hướng dẫn kỹ thuật do HND xã, huyện tổ chức. Đến nay, anh đã mở rộng quy mô, nâng tổng số ếch nuôi lên hơn 4 vạn con. Từ đầu năm đến nay, anh xuất 2 vạn con ếch, trọng lượng 0,2-0,25 kg/con, trừ chi phí, thu lãi gần 50 triệu đồng. Trong tháng tới, anh sẽ xuất thêm hơn 1 vạn con, nếu bán với giá như hiện nay, anh sẽ tiếp tục thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Anh Hướng đang tiếp tục mở rộng quy mô, sẽ nuôi khoảng 10 vạn con ếch. Mô hình nuôi ếch của anh thường xuyên được các hội viên khác đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.

HND huyện Ninh Giang hiện có 25 hộ nuôi nhím. Hơn 1 năm trước, được HND xã cho vay 5 triệu đồng, anh Lê Thế Khôi ở xã Hiệp Lực mạnh dạn đầu tư mua 2 đôi nhím giống với giá hơn 20 triệu đồng về nuôi. Đến nay, anh đã có 6 cặp nhím sinh sản. Từ đầu năm đến nay, anh bán 3 cặp nhím giống, thu lãi gần 20 triệu đồng. Theo anh Khôi, nhím là loại tương đối dễ nuôi, chúng ăn tạp, ít bệnh tật.

Ở Ninh Giang những năm qua cũng xuất hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản đạt giá trị kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Miện, ở thôn Thọ Sơn, xã Quang Hưng. Ông Miện mạnh dạn đấu thầu gần 1 ha đất chuyển đổi, đầu tư xây bờ đào ao thả cá. Với hơn 1,5 mẫu ao, ông Miện thả cá rô phi đơn tính kết hợp với nuôi cá truyền thống, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 tấn cá, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông kết hợp nuôi 500 con vịt thịt và tận dụng nguồn phân của vịt làm thức ăn cho cá. Mỗi tháng, ông bán ra thị trường từ 400 - 500 con vịt, trừ chi phí, thu lãi gần 7 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Tranh, Chủ tịch HND huyện cho biết, trong thời gian qua, hội đã tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2010, toàn huyện có 15.824 hộ đăng ký, chiếm 54,1% tổng số hộ nông nghiệp. Kết quả bình xét cuối năm đã có 13.196 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 83,3% số hộ đăng ký, trong đó có 63 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 609 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, còn lại là cấp huyện và cấp cơ sở. Trong năm 2010, HND các cấp đã khai thác và quản lý 77 tỷ đồng cho 7.049 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 2.945 hộ vay vốn, với tổng số tiền là 39 tỷ đồng. Các cơ sở đã ký kết hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 4.104 hộ vay, với tổng số tiền hơn 37,1 tỷ đồng. Năm 2011, toàn huyện có hơn 16 nghìn hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 55,8% số hộ nông nghiệp. Các cấp HND trong huyện cũng tích cực xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân. Tổng số tiền quỹ do HND huyện khai thác và quản lý đến nay là 1,4 tỷ đồng cho 414 hộ vay sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cũng tích cực tham gia giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế. Mỗi năm, toàn huyện có hơn 1.100 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đứng ra nhận giúp đỡ hơn 1.500 hội viên nghèo thông qua việc cho vay tiền không lấy lãi; mua cây, con giống trả chậm; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua đó đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.