00:00 Số lượt truy cập: 2662104

Hiện đại hóa khâu tưới nước cho cây trồng 

Được đăng : 03/11/2016

Lắp đặt, sử dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng trên cạn giúp nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí… trong trồng trọt nên được nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.



Hiệu quả thiết thực

Hệ thống tưới phun nước tự động trên vườn cây ăn trái tại hộ ông Nguyễn Phong Đạt ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nông dân trồng lúa gặp khá nhiều thuận lợi trong khâu tưới tiêu nước do hạ tầng thủy lợi thời gian qua được đầu tư phát triển. Nhiều nơi, nông dân còn liên kết thực hiện bơm tưới nước tập thể, giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Hơn nữa, ruộng lúa khá bằng phẳng và có hệ thống các bờ, đê bao xung quanh nên nông dân dễ dàng đặt máy bơm nước – đặt một nơi là có thể đưa nước đi đều khắp ruộng lúa. Tuy nhiên, khi trồng rau màu và cây ăn trái, nông dân tốn nhiều thời gian và công sức cho khâu tưới nước vì không thể bơm tưới ngập tràn như trồng lúa. Từ thực tế sản xuất và học tập kinh nghiệm từ các mô hình hiện đại hóa khâu tưới nước cho rau màu, vườn cây ăn trái, được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp, hiện nay, một số nông dân ở TP Cần Thơ đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái và rau màu.

Chị Nguyễn Thị Quý ngụ ấp Thới Quan, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Gia đình tôi đã lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn trồng rau má có diện tích khoảng 1.000m2. Chỉ cần bật cầu dao điện của hệ thống tưới là nước phun đều cả khu vườn. Nhờ nhẹ công tưới nước, gia đình có nhiều thời gian hơn để chăm sóc, làm cỏ,… nâng cao hiệu quả trồng rau má". Cải tạo một công đất vườn trồng nhãn tiêu da bò bị lão hóa để trồng mới nhãn Ido và cam sành, ông Nguyễn Châu ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền đã đầu tư 7 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. "Những tháng mùa nắng, nhiều nơi gặp khó về nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là những khu vực xa các kênh mương. Nhiều bà con lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái hiệu quả khá cao… Đó là những lý do khiến tôi quyết định đầu tư hệ thống tưới tự động"- ông Châu cho biết. Đến nay, vườn cây trồng được 4 tháng tuổi đang phát triển khá tốt, gia đình ông Châu cũng nhẹ công chăm sóc. Ông phấn khởi cho biết: "Trước đây, tưới nước bằng tay hoặc dùng động cơ xăng dầu đặt trên xuồng nhỏ, kéo ống phun nước dọc theo các mương, tôi phải mất ít nhất cả tiếng đồng hồ, tốn nhiều tiền xăng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần ngồi 1 chỗ, bật cầu dao điện hệ thống tưới tự động, sau 15-20 phút là tưới nước xong cho vườn cây, chỉ tốn vài ngàn đồng tiền điện, tiết kiệm chi phí gấp hơn 5 lần so với cách tưới nước bằng động cơ xăng dầu".

Cần nhân rộng

Nhiều nông dân khẳng định: Hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng mang lại hiệu quả rất lớn và không quá khó để lắp đặt. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình này tại TP Cần Thơ còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân do người dân thiếu thông tin, kiến thức về mô hình; chi phí đầu tư ban đầu cao. Vì vậy, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân nhân rộng phát triển mô hình, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với sự khuyến khích và hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, một số nông dân mạnh dạn đầu tư gần cả trăm triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng trên quy mô sản xuất lớn. Điển hình là mô hình hệ thống tưới phun tự động trên vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Phong Đạt ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai hỗ trợ thực hiện. Mô hình này phục vụ tưới nước cho 1ha đất vườn trồng mới cam xoàn và bưởi da xanh. Ông Nguyễn Phong Đạt cho biết: "Để thực hiện mô hình, được ngành nông nghiệp hỗ trợ khoảng 30% chi phí lắp đặt và hỗ trợ khoảng 60% giá trị cây giống nhưng tôi cũng đầu tư khoảng 90 triệu đồng. Sau gần 3 tháng trồng, vườn cây phát triển khá tốt. Tôi khá hài lòng với hệ thống tưới tự động này với thiết kế có thể tưới phun sương và tưới đẫm…".

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, cùng với các địa phương khác, huyện Thới Lai đã và đang tích cực phối hợp với các bên có liên quan để khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện, phát huy hiệu quả thiết thực từ việc hiện đại hóa khâu tưới nước cho cây trồng trên cạn. Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được một số mô hình tưới nước tự động cho rau màu và vườn cây ăn trái. Ông Nguyễn Út Em, Phó Trưởng phòng Phòng NN& PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Phong Điền có thế mạnh về vườn cây ăn trái nên ngành nông nghiệp huyện rất quan tâm khuyến khích người dân hiện đại hóa các khâu sản xuất cây ăn trái, nhất là khâu phun tưới nước tự động nhằm giảm giá thành sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay có trên 10 hộ dân của huyện đã lắp đặt các hệ thống phun tưới nước cho vườn cây ăn trái". Theo ông Nguyễn Út Em, một số hệ thống tưới nước tự động thông thường, nông dân chỉ cần đầu tư khoảng 35-40 triệu đồng trên diện tích canh tác 1ha. Theo tính toán, từ hệ thống này, nông dân có thể tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng/ha/vụ sản xuất nên khoảng 4-5 năm là thu hồi vốn.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ rất quan tâm hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình phun tưới nước tự động cho cây trồng trên cạn nhằm nâng cao hiệu suất tưới và góp phần tích cực vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua dự án VnSAT, Sở NN&PTNT đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình hiện đại hóa khâu tưới nước trên cây ăn trái làm mô hình điểm để nhân rộng. Trong đó có 10ha cây ăn trái tại xã Trường Long, huyện Phong Điền sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt và nông dân được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và các kiến thức cần thiết.

Khánh Trung