00:00 Số lượt truy cập: 3228875

Hiệu quả từ mô hình lưu trú cá rô phi đơn tính qua đông 

Được đăng : 03/11/2016

Năng động, nhạy bén trước thực tế chăn nuôi thủy sản ở địa phương, anh Bùi Xuân Kỳ, thôn Trung Lạc, xã Yên Trung (Yên Phong) đã tìm ra hướng đi mới để đáp ứng nhu cầu giống cá rô phi đơn tính cho gia đình, bà con địa phương và các vùng lân cận.


Những năm qua, gia đình anh Kỳ và các hộ nuôi trồng thủy sản khác ở địa phương đưa giống cá rô phi đơn tính vào nuôi trồng ngày càng nhiều. Cá rô phi đơn tính là loại cá có giá trị kinh tế cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có đặc tính nổi trội là ăn tạp, có khả năng thâm canh cao, dễ áp dụng cho các hình thức nuôi khác nhau. Tuy nhiên việc cung ứng giống thường gặp nhiều khó khăn. Thông thường từ tháng 4 đến tháng 5 mới có cá giống đưa từ miền Nam ra giá thành cao, không kiểm soát được chất lượng con giống cũng như các loại dịch bệnh. Mặt khác, do không chủ động được nguồn giống nên không chủ động được kế hoạch sản xuất, làm ảnh hưởng đến thời vụ nuôi trồng. Trước tình hình đó, để chủ động nguồn giống và đáp ứng nhu cầu thời vụ đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, anh Kỳ đã tiến hành nuôi lưu trú cá rô phi đơn tính giống qua đông. Từ năm 2007, tìm hiểu tài liệu qua sách báo và các tạp chí chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản, anh Kỳ thả gần 3.000 con cá rô phi đơn tính giống, sau 3 tháng nuôi lưu giữ qua đông cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 60%, cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do tự tìm hiểu nên không nắm chắc kỹ thuật nuôi lưu trú nên có năm cá bị chết sạch, gia đình anh thiệt hại đến gần 50 triệu đồng. Tháng 12-2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã chọn gia đình anh làm điểm xây dựng mô hình trình diễn lưu trú cá rô phi đơn tính qua đông. Gia đình anh được hỗ trợ 50% giá cá giống và được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cử cán bộ kỹ thuật về tận trang trại để hướng dẫn chuẩn bị ao nuôi, thả cá đúng quy trình, hướng dẫn phòng chống bệnh tật, chống rét cho đàn cá giống.

Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, trước khi đưa cá giống vào nuôi, anh Kỳ tháo nước, trang phẳng đáy ao phơi nắng trong vòng 1 tuần và tẩy trùng ao bằng vôi bột với liều lượng 10 kg/100m2. Sau đó, tiến hành lọc nước sạch vào ao đủ độ sâu từ 1,5 - 2m bằng hệ thống đăng chắn để tránh cá dữ, cá tạp; sử dụng phân chuồng ủ bón lót gây màu cho ao trước khi thả 4-5 ngày nhằm bảo đảm thức ăn tự nhiên cho cá. Sau đó, anh Kỳ thả 70.000 con cá rô phi đơn tính với mật độ trung bình 20 con/m2. Khi nuôi lưu trú, tranh thủ những ngày nắng ấm, nhiệt độ nước trên 180oC, cho cá ăn thức ăn tinh và bón phân chuồng kết hợp với phân vô cơ để duy trì màu nước cho ao và nên cho cá ăn vào buổi trưa. Khi trời rét kéo dài, nhiệt độ nước xuống thấp dưới 15oC, lấy nước vào ao, bảo đảm mức nước ao từ 2,5 - 3 m, dùng bèo tây phủ 1/3 diện tích mặt ao về hướng Đông Bắc, giữ mực nước trong ao nuôi ổn định. Định kỳ 2 tuần 1 lần bón thanh trùng ao nuôi bằng thuốc Vạn Tiêu Linh với tỷ lệ 1g/m3. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 4 tháng nuôi (từ tháng 12 - 2010 đến tháng 3 - 2011) cá đạt trọng lượng hơn 60 con/kg, tỷ lệ sống đạt gần 70%, với giá bán 1.000 - 1.500 đồng/con, cho thu nhập từ 35-40 triệu đồng. Anh Kỳ cho biết: “Được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cá nên tỷ lệ cá sống đạt cao hơn khi tôi nuôi lưu trú bằng kinh nghiệm trước đây. Cá nuôi lưu trú không khó nhưng cho hiệu quả kinh tế cao”.

Thành công từ mô hình lưu trú cá qua đông của gia đình anh Kỳ vừa giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động được con giống, tạo điều kiện để đẩy mạnh thâm canh tăng vụ (2-3 vụ/năm) góp phần nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế.