00:00 Số lượt truy cập: 3229468

Hội thảo đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân 2013 - 2014 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 21/02/2014, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân 2013 - 2014. Tham dự hội thảo có hơn 600 đại biểu là nông dân, cán bộ nông nghiệp các tỉnh trong vùng ĐBSCL cùng các nhà khoa học, các doanh nghiệp giống cây trồng về tham quan khảo sát tại ruộng lúa thực nghiệm của Viện.


Năm 2013, qua kết quả khảo nghiệm cơ bản tại Viện Lúa và các tỉnh ĐBSCL đã xác định được 15 giống lúa triển vọng cho vùng. Đối với kết quả phân tích tính thích nghi và ổn định của các giống lúa ở các tỉnh phía Nam đã xác định được 20 giống lúa có năng suất cao, ổn định và thích nghi rộng. Năm 2013, Viện Lúa ĐBSCL đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức 1 giống mới (OM8232) và 6 giống sản xuất thử. Đầu năm 2014, Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp xét công nhận giống chính thức cho 3 giống lúa OM4488, OM6677, OM7348 và 7 giống sản xuất thử. Từ kết quả đánh giá các bộ giống khảo nghiệm của Viện đã xác định được 26 giống triển vọng và đưa vào bộ khảo nghiệm quốc gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã bình chọn từ 56 giống lúa thuộc các bộ khảo nghiệm A0 , A1, bộ khó khăn, bộ đặc sản. Kết quả 222 phiếu đánh giá đã bình chọn 9 giống có triển vọng tốt nhất. Trong đó giống OM121 (mã số 2) được bình chọn là giống lúa hoa hậu đạt tỷ lệ 43,7%. OM121 có đặc tính thơm nhẹ, thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày, năng suất 5 - 7 tấn/ha, kháng rầy nâu cấp 5, kháng đạo ôn cấp 5.

Đồng hạng 2 có 2 giống OM36 (mã số 1) và OM221 (mã số 4) đạt 40%; xếp hạng 3 có giống OM20 (mã số 13) đạt 31%; xếp đồng hạng 4 giống OM10424 (mã số 10) và OM6976 (mã số 20) đạt 26%; xếp hạng thứ 5 giống OM9586 (mã số 22) đạt 21%; xếp đồng hạng 6 giống OM9918 (mã số 8) và OM4900 (mã số 19) đạt 19%.

Việc đánh giá và bình chọn giống lúa năm nay có điểm mới so với các năm trước. Các giống/dòng lúa trồng khảo nghiệm để đại biểu quan sát và đánh giá không ghi tên mà chỉ mang mã số. Điều này giúp cho việc bình chọn của đại biểu khách quan hơn. Tên của giống lúa chỉ được công bố khi đã có kết quả bình chọn.

Trong phần thảo luận, các đại biểu ghi nhận sự đóng góp lớn lao của Viện Lúa ĐBSCL cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Đồng thời, có nhiều ý kiến chia sẻ, đề xuất với Viện Lúa như: Tổ chức đánh giá giống ở cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu thay vì chỉ tổ chức trong vụ Đông Xuân như thời gian qua; Viện cần thu thập thông tin về thị trường lúa gạo, định hướng sản xuất để nông dân thật sự vừa "trúng mùa" vừa "được giá"; Viện đứng ra chủ trì việc phục tráng giống đặc sản Jasmine để chọn ra một dòng duy nhất cho cả vùng thay vì mỗi tỉnh có một dòng riêng như hiện nay; thay đổi chiến lược nghiên cứu, chọn tạo giống, theo đó cần bổ sung các giống lúa thơm, đặc sản cung cấp cho thị trường gạo thơm cao cấp cả trong và ngoài nước; mở rộng nghiên cứu giống lúa theo "đơn đặt hàng" cho các vùng khác như đồng bằng ven biển miền Trung, thậm chí cả ở Lào.

Tiến sỹ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết trong thời gian tới chiến lược nghiên cứu của Viện sẽ đi bằng cả 2 chân: vừa phát triển nghiên cứu lúa gạo cao sản chất lượng cao, vừa bổ sung nghiên cứu lúa gạo đặc sản cao cấp; hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu không chỉ các tỉnh ở ĐBSCL mà cả các vùng, miền khác. Bên cạnh đó, Viện còn quan tâm cải tiến trong nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm… để các giống được phóng thích sẽ "sống lâu, sống khỏe" hơn nữa trong sản xuất.