00:00 Số lượt truy cập: 3229525

Hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 6/3, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo “Chương trình hành động sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ Quế Lâm theo tiêu chuẩn VietGAP” và lễ ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm.


Với mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn và bền vững, trong những năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học các chế phẩm vi sinh và triển khai sản xuất các loại nông sản hữu cơ tại 14 tỉnh, thành trên cả nước với 200 mô hình….qua đó đã giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác từ bón phân hóa học chuyển sang canh tác hữu cơ; giảm 30% chi phí mua phân bón hóa học… Tại tỉnh Vĩnh Phúc, vụ xuân 2013, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm trên cây lúa với quy mô 60 ha ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên); xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) và đang triển khai mô hình trên cây thanh long ruột đỏ với quy mô 10ha tại xã Vân Trục (Lập Thạch).

Tập đoàn Quế Lâm trong các năm 2006 - 2009 đã được trao Giải thưởng “Bông lúa Vàng”; Giải thưởng Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (2008); Cúp Vàng sản phẩm dịch vụ ưu tú hội nhập WTO (2008); Giải thưởng Công nghệ xanh Việt Nam (2009).

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc... nhằm đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, đa dạng các vụ mùa, phù hợp với điều kiện địa phương.

Theo tổ chức nông lương thế giới (FAO), phân bón hoá học đã giúp tăng thêm trên 50% sản lượng lương thực trong 100 năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế, cây trồng chỉ hấp thụ được một phần nhỏ lượng phân bón, phần còn lại sẽ bị thất thoát, chính phần thất thoát này là tác nhân gây ô nhiễm môi trường; đất bị thoái hoá; nước có nhiều độc hại; hệ sinh thái biến đổi; hệ sinh vật có trong đất bị huỷ diệt; chất lượng nông sản không an toàn; chất lượng cuộc sống con người không đảm bảo.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng: Việc xây dựng mô hình nông nghiệp an toàn và bền vững; liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản hữa cơ là hướng tất yếu. Vì vậy, để việc đầu tư cho nông nghiệp hiệu quả nói chung cũng như việc triển khai ứng dụng hiệu quả các mô hình, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý nhà nước liên quan và các cấp lãnh đạo địa phương.

TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG khẳng định: Đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp cần chú trọng phát triển công nghệ sinh học, đặc biệt là các công nghệ mới có tính thân thiện và bảo vệ môi trường để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cộng đồng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một môi trường trong lành, bền vững./.