Lớn bên những luống hoa
Trẻ trung, năng động là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Hiếu. Anh kéo tôi vào nhà tránh cơn gió lạnh cuối đông đang phả vào từ ngoài đồng mang theo hương hoa ngọt giá. Bên chén trà gừng ấm áp, anh kể chuyện “đời hoa”.
“Tôi sinh năm 1978, đã tròn ba mươi năm gắn bó với ruộng đồng. Nhà có 3 anh em trai, đứa nào cũng theo cha mẹ ra ruộng từ khi còn lẫm chẫm. Làng Tây Tựu ngày xưa nghèo lắm, cả làng thuần nông, chủ yếu trồng cà chua, dưa lê, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không đủ sống. Cách thành phố chưa đầy hai mươi cây số mà như hai thế giới. Nhiều người đã bỏ ruộng vườn, bỏ làng tha phương kiếm sống. Cha mẹ đã dạy chúng tôi phải chịu khó thì mới nên người, như cây muốn ra hoa, rễ phải bấm sâu vào lòng đất ...”.
Năm 1996, kinh tế thị trường phát triển, đời sống khá hơn, nhu cầu hoa cho nội thành Hà Nội tăng cao trong khi các làng hoa truyền thống như Ngọc Hà, Nhật Tân... dần hết đất. Nhiều năm Tết đến mà "cháy" chợ hoa. Nhu cầu của thị trường đã tự "điều chỉnh", Tây Tựu chuyển dần sang trồng hoa. “Đấy là mốc mới cho làng tôi”. Hiếu chỉ tay về những ngôi nhà khang trang: “Tất cả đổi đời nhờ trồng hoa. Có được nhà cửa, xe cộ... cũng nhờ hoa. Hạnh phúc hơn nữa, đi đâu nói đến làng hoa Tây Tựu, ai cũng biết”.
Giống như bao gia đình khác trong làng, nhà Hiếu cũng bỏ màu trồng hoa. Đến nay, anh không nhớ mình đã trồng được bao nhiêu loại, chỉ biết rằng, khi nhìn một mầm hoa mới nhú lá, anh đã biết đó là loại hoa gì. Uống một ngụm trà thơm mùi gừng, Hiếu trầm ngâm: “Ba anh em tôi lớn lên đều gắn bó với hoa. Đôi khi tôi cảm thấy vui khi người ta gọi mình là anh nông dân trồng hoa”.
Thời gian đầu, hoa Tây Tựu chưa được thị trường chấp nhận, bị chê xấu, chóng tàn. Lúc đó, Hiếu là một trong những người lặn lội đi tìm hiểu cách trồng ở các làng hoa khác. Là người tâm huyết với nghề, anh vay mượn bạn bè, họ hàng rồi một mình lặn lội vào Nam, ra Bắc để tìm hiểu “bí quyết” của các làng hoa và thâm nhập thị trường. “Càng đi nhiều tôi càng thấy yêu thích công việc của mình”.
Những chuyến đi đã mang đến cho Hiếu nhiều kinh nghiệm. Anh phát hiện ra rằng trong thị trường hoa lung linh, đa sắc, muốn nổi bật lên cần có những điểm nhấn. “Cần phải chọn cho mình một loại hoa, chăm chút nó thành “bản sắc riêng” để khi đứng giữa một rừng hoa nó cũng không lẫn đi đâu được”. Rồi Hiếu quyết “xe duyên” với loa kèn.
“Duyên" với hoa loa kèn
Nói đến hoa loa kèn, đôi mắt Hiếu sáng lên, anh kéo tôi ra ruộng hoa. Gió vẫn quện quanh người se sắt, nhưng chúng tôi ấm lên với niềm hưng phấn. Ruộng cách nhà khoảng hai mươi phút đi bộ. Anh vồ vập mấy luống đất đang xanh mầm: “Hoa loa kèn đấy. Từ nay chúng ta không cần phải giữ củ, cũng không cần phải vào vụ mới có hoa. Tôi đã có thể giúp bà con trồng loa kèn bằng hạt rồi”.
Hoa loa kèn hiện rất được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng trồng loa kèn không phải dễ. Tập quán canh tác trước đây là nhân giống loa kèn bằng củ vào tháng 8 âm lịch, đến tháng 3 năm sau mới được thu hoạch. Thu hoạch xong lại đào củ lên, tách lấy mầm để ươm giống. Nếu chẳng may củ thối, hỏng hay bị chuột bọ, sâu bệnh thì phải mua giống với giá rất đắt.
Nhờ có nhiều kinh nghiệm nên chỉ sau một thời gian ngắn, hoa loa kèn đã đem lại thu nhập cao cho gia đình Hiếu. Nhiều nhà trong làng cũng bắt đầu trồng loa kèn thay cho các loại quen thuộc. Tưởng rằng cuộc đời “anh loa kèn” không phải nỗ lực gì nữa, nhưng trong một lần đem hoa sang chợ bạn, hoa của anh bị cạnh tranh bởi một loại loa kèn khác rẻ, đẹp hơn. Tìm hiểu mới biết đó là loại loa kèn nhập khẩu từ Trung Quốc. Cái hứng khởi tiềm ẩn trong người Hiếu trỗi dậy. Vay mượn bạn bè, anh lặn lội sang Trung Quốc. Không biết tiếng, Hiếu rủ thêm người bạn làm phiên dịch; không biết đường, anh đi theo lối của những người buôn hoa. Lần mò cả tháng trời anh đến tận Côn Minh.
Khi Hiếu trở về cũng là lúc Tây Tựu bắt đầu trồng loại loa kèn mới đẹp hơn, bền hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh trở thành người cung cấp giống cho dân làng. Đem một củ giống từ Trung Quốc về bán đến tay người nông dân là 1.000-1.200đồng/củ. Một sào hết 14-16 triệu đồng tiền giống, cho thu hoạch cuối vụ là 23 - 25 triệu đồng. Hiếu cho biết loa kèn Trung Quốc khác loa kèn truyền thống của Việt Nam. Khi ra hoa, loa kèn Việt Nam cho bông ngả chiều ngang, loa kèn Trung Quốc thì hoa thẳng đứng. Loa kèn Trung Quốc lại nở lần lượt, cắt hơn 1 tháng mới hết hoa, nông dân không phải thu hoạch dồn dập.
Nhìn những cánh đồng hoa chờ ngày thu hoạch, Hiếu vui vẻ: “Chính tôi cũng không muốn mình cứ lấy giống từ Trung Quốc. Chúng ta có đất, người dân lại cần cù mà vẫn phải chi 14 – 16 triệu đồng/sào, phải nghĩ cách để giảm chi phí”.
Nói là làm, tháng 3/2007, Hiếu gom góp được 20 triệu đồng sang Côn Minh học cách tự túc giống. “Tôi ở bên đó 6 tháng trời. Nhớ con, thương vợ nhưng chỉ có mỗi cách là vùi đầu vào học cách gây giống từ hạt. Đó là một phương thức hoàn toàn mới mẻ. Tôi nhờ một người bạn chép lại bài giảng rồi dịch ra để có thể hoàn thành tốt khóa học”.
Chỉ tay vào những luống hoa đang ươm, Hiếu phấn khởi: “Hạt đã nảy mầm rồi. Ai mua hạt tôi bán hạt, ai mua cây con tôi bán cây con. Ngày xưa phải chịu 14 - 16 triệu đồng/sào, giờ chỉ mất 1 triệu đồng/sào thôi”. Hiếu cho biết, quan trọng nhất là, với phương thức trồng bằng hạt việc trồng hoa loa kèn không cần mùa vụ. Cứ gieo hạt trồng là khoảng 5 tháng sau sẽ cho thu hoạch.
Tạm biệt “anh loa kèn”, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của Hiếu: “Người ta là hoa của đất”. Nếu có nhiều nông dân trẻ trung, năng động như Hiếu, thì xuân nào đất nước cũng ngập tràn muôn sắc hoa...