00:00 Số lượt truy cập: 3229313

Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) 

Được đăng : 03/11/2016
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có khung kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu đến năm 2020 giảm 20% lượng khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp (tương đương 18,87 triệu tấn CO2), đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành và giảm tỷ lệ đói nghèo

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng thành công một số mô hình thích ứng với BĐKH như: canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước; nuôi trồng thủy sản ven biển ứng phó với BĐKH; thu gom, xử lý phế phụ phẩm trồng trọt nhằm giảm phát thải khí nhà kính ở nông thôn vùng ĐBSH; mô hình cộng đồng chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại thiên tai, thích ứng với BĐKH; tuyển chọn và khảo nghiệm bộ giống lúa chịu hạn thích ứng cho vùng Duyên hải miền Trung…

Cục Trồng trọt đã điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng thích ứng với BĐKH cho các vùng sinh thái. Thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”... Cục Chăn nuôi cũng đã điều chỉnh cơ cấu chăn nuôi thích ứng với BĐKH cho các vùng sinh thái; nghiên cứu, chọn tạo các giống vật nuôi ít phát thải khí nhà kính; xử lý chất thải chăn nuôi bằng ủ yếm khí nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay, đã có khoảng 500.000 công trình khí sinh học trên toàn quốc, trong đó 170.000 công trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và trợ giá.

Ngành lâm nghiệp thì triển khai các dự án nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió và cát ven biển; lồng ghép, điều phối thực hiện Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng và thực hiện Nghị định về chi trả dịch vụ môi trường rừng.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, trong vòng 50 năm qua, đã có 422 trận bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam. BĐKH làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật, gia tăng một số loài dịch hại mới và các đợt dịch bùng phát trên diện rộng. Trong 3 năm trở lại đây, dịch rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá làm giảm đáng kể sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2010, tại Đồng bằng sông Hồng, dịch sâu cuốn lá nhỏ đã gây thiệt hại cho khoảng 400.000ha lúa, khiến năng suất lúa giảm từ 30 -70%.

Mặt khác, quá trình sản xuất trồng trọt cũng gây ra phát thải khí nhà kính, một trong những nguyên nhân gây BĐKH (75% lượng phát thải CH4 trong ngành trồng trọt có nguồn gốc từ sản xuất lúa nước).

Theo báo cáo lần thứ 4 về BĐKH của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC, 2007), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Tình trạng nước biển dâng có thể làm mất đất và nhiễm mặn ở hai đồng bằng chính của Việt Nam (Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng). Các đánh giá bước đầu về tác động của BĐKH đối với ngành trồng trọt ở Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng của ngành trồng trọt có thể giảm 1- 5%; năng suất các loại cây trồng chính có thể giảm 10%, đặc biệt đối với sản xuất lúa.

Các dự báo cho thấy, đến năm 2100, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Nước biển dâng cao đồng nghĩa với việc mặn xâm nhập sâu vào nội địa, khả năng có đến 2,4 triệu hecta đất bị nước biển xâm nhập, nhiều diện tích chuyên trồng 2 vụ lúa/năm sẽ không thể sản xuất được. Hiện, mức độ nhiễm mặn trên 40/00 đã lấn sâu vào 30 - 40km tại một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng với diện tích 1.303ha.