00:00 Số lượt truy cập: 3234565

Kết quả khảo nghiệm các giống lúa thuần vụ xuân 2009 tại các tỉnh phía Bắc 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ xuân 2009, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia tiến hành khảo nghiệm 27 giống lúa mới được chọn tạo trong nước. Các giống được phân nhóm theo thời gian sinh trưởng gồm 5 giống trung ngày, 5 giống lúa nếp, 17 giống ngắn ngày và chất lượng ngắn ngày.

Thí nghiệm được bố trí tại 13 điểm đại diện cho 3 vùng sinh thái nông nghiệp: Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM

Nhóm trung ngày: Gồm 5 giống.

- Thời gian sinh trưởng của các giống trung bình từ 151-160 ngày, ngắn hơn giống đối chứng Xi23 từ 4-9 ngày và tương đương giống đối chứng C70. Các giống trỗ thoát cổ bông, độ dài giai đoạn trỗ trung bình (điểm 5).

- Các giống có khả năng đẻ nhánh trung bình từ 4,5-5,3 bông/khóm. Hầu hết các giống đẻ nhánh thấp hơn giống C70 (5,1bông/khóm). Giống J01 có khả năng đẻ nhánh cao nhất (5,3 bông/khóm). Tỷ lệ lép từ 11,1-19,9 %, giống có tỷ lệ lép thấp nhất là J02 (11,1 %), hai giống có tỷ lệ lép cao nhất là TB10 và X32 (19,5-19,9%).

- Mức độ nhiễm sâu bệnh:

+ Khô vằn: Tại các điểm hầu hết các giống bị nhiễm khô vằn nhẹ (điểm 1-3). Giống TB10 bị nhiễm khô vằn điểm 5 tại Hưng Yên.

+ Bạc lá: Các giống bị nhiễm bạc lá nhẹ (điểm 1), giống TB10 bị bạc lá điểm 5 tại Hưng Yên.

+ Rầy nâu: Xuất hiện tại hai điểm Hưng Yên và Hà Tĩnh. Các giống đều bị nhiễm rầy nhẹ (điểm 1).

+ Sâu đục thân: Tại hầu hết các điểm khảo nghiệm đều bị hại nhẹ điểm 1; tại Hưng Yên, 2 giống TB10 và MT08-10 bị hại điểm 3; tại Hải Dương giống Xi23 bị hại điểm 5.

- Năng suất: Năng suất thực thu của các giống trung bình từ 52,10-57,60 tạ/ha. Các giống MT08-10, X32 đạt năng suất trung bình từ 57,55-57,60 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng Xi23 (56,88 tạ/ha). Giống TB10 cho năng suất khá, trung bình đạt 55,44 tạ/ha, cao hơn đối chứng C70 (54,86 tạ/ha).

Nhóm lúa nếp: Gồm 5 giống.

- Thời gian sinh trưởng của các giống trung bình từ 138-160 ngày. Giống BN4, NV1, Lang liêu có chiều cao cây từ 113-127cm, cao hơn cả 2 đối chứng TK90 và Iri352.

- Các giống có khả năng đẻ nhánh từ 4,6-5,0 bông/khóm. Giống đẻ nhánh khá là BN4, Lang liêu, NV1 (4,9-5,0 bông/khóm). Thấp nhất là N-TL1, ĐT52 (4,6 bông/khóm). Tỷ lệ lép của các giống từ 11,6-18,2%, trong đó giống BN4 thấp nhất (11,6 %) và cao nhất là ĐT52 (18,2 %).

- Mức độ nhiễm sâu bệnh:

+ Bệnh khô vằn: Tại Phú Thọ, Hưng Yên và Thanh Hoá các giống bị khô vằn nhẹ (điểm 1). Tại Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh các giống bị khô vằn điểm 3. Tại Hà Tĩnh giống NV1 bị nhiễm khô vằn điểm 5.

+ Bệnh bạc lá: Tại Hưng Yên, Hải Dương giống BN4, NV1 đều nhiễm bạc lá điểm 3. Các điểm còn lại các giống nhiễm bạc lá nhẹ (điểm 0-1).

+ Rầy nâu: Xuất hiện tại điểm Hưng Yên, Thanh Hoá giống BN4, TK90, Lang liêu bị nhiễm rầy (điểm 3). Các điểm còn lại các giống bị nhiễm rầy nhẹ (điểm 1).

+ Sâu cuốn lá: Ở điểm Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá các giống đều nhiễm sâu cuốn lá nhẹ (điểm 1). Tại Hưng Yên và Hải Dương các giống nhiễm sâu cuốn lá điểm 1-3.

- Năng suất: Năng suất trung bình của các giống tham gia khảo nghiệm dao động từ 42,25-55,19 tạ/ha. Các giống NV1, Lang liêu có năng suất khá, trung bình từ 50,30-55,19 tạ/ha tương đương và cao hơn giống đối chứng TK90. Giống ĐT52 có năng suất trung bình tại các điểm đạt 55,19 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng Iri352 (51,66 tạ/ha).

Nhóm ngắn ngày: Gồm 10 giống.

- Thời gian sinh trưởng của các giống trung bình từ 126-133 ngày. Giống có TGST ngắn nhất là giống KN2, tương đương giống DT122 (126 ngày). Các giống trỗ thoát cổ bông, độ dài giai đoạn trỗ trung bình (điểm 5). Giống DT122, PC16 có độ cứng cây trung bình (điểm 5), các giống còn lại đều cứng cây.

- Các giống có khả năng đẻ nhánh trung bình từ 4,6-5,2 bông/khóm. Giống có khả năng đẻ nhánh cao nhất là DT122 (5,2 bông/khóm), các giống còn lại có khả năng đẻ nhánh tương đương giống đối chứng Khang dân 18. Tỷ lệ lép của các giống từ 11,9-18,6%, giống KN2 có tỷ lệ lép thấp nhất đạt 11,9%.

- Mức độ nhiễm sâu bệnh:

+ Khô vằn: Tại các điểm hầu hết các giống nhiễm khô vằn nhẹ (điểm 1-3). Tại Thái Bình các giống DT122, XT27 nhiễm khô vằn trung bình (điểm 5).

+ Bạc lá: Tại Hải Dương và Thái Bình các giống Khang dân 18, Hoa ưu 109, DT122 nhiễm bạc lá (điểm 3). Các điểm còn lại nhiễm bạc lá nhẹ (điểm 1).

+ Rầy nâu: Tại Thanh Hoá, các giống Cao Bằng 1, DT122, XT27, VS1 nhiễm rầy điểm 3. Hầu hết các giống tại điểm Hưng Yên nhiễm rầy nhẹ (điểm 1).

+ Sâu cuốn lá: Tại điểm Thái Bình giống DT122 bị hại ở mức trung bình (điểm 5), các giống còn lại nhiễm nhẹ (điểm 1).

+ Sâu đục thân: Tại điểm Hải Dương các giống Cao Bằng 1, DT122, Hoa ưu 109, PC16 bị hại nhẹ (điểm 3). Các giống còn lại nhiễm nhẹ (điểm 1).

- Năng suất: Năng suất thực thu của các giống biến động từ 50,62-58,12 tạ/ha. Các giống Hoa ưu 109, MT08-9, TBR36, XT27, DT45 cho năng suất khá, trung bình tại các điểm từ 55,01-58,12 ta/ha, cao hơn giống Khang dân 18 (54,21 tạ/ha). Giống KN2 có năng suất trung bình tại các điểm từ 52,69 tạ/ha, tương đương giống đối chứng DT122.

Nhóm chất lượng ngắn ngày: Gồm 7 giống.

- Thời gian sinh trưởng của các giống trung bình từ 127-137 ngày. Giống QR1 có TGST ngắn hơn 2 giống đối chứng là 6 ngày. Giống BT4, Nàng xuân, Nông lâm số 7 có TGST dài hơn giống đối chứng từ 2-4 ngày. Các giống trỗ thoát cổ bông, độ dài giai đoạn trỗ trung bình (điểm 5).

- Hầu hết các giống đẻ nhánh trung bình từ 4,5-5,3 bông/khóm. Các giống Nàng xuân, QR1 có khả năng đẻ nhánh khá (5,1-5,3 bông/khóm) cao hơn giống Hương thơm số 1 và Bắc thơm số 7. Tỷ lệ lép của các giống từ 9,9-20,0%. Giống QR1 có tỷ lệ lép thấp nhất là 9,9 %. Các giống BT13, Hương cốm 2, Nông lâm số 7, SH4 có tỷ lệ lép cao hơn 2 giống đối chứng.

- Mức độ nhiễm sâu bệnh:

+ Khô vằn: Ở hầu hết các điểm khảo nghiệm, các giống đều nhiễm khô vằn nhẹ (điểm 1-3).

+ Bạc lá: Xuất hiện tại các điểm Thái Bình, Hải Dương các giống QR1, Hương cốm 2 bị bạc lá điểm 3. Tại Thái Bình, giống BT13 nhiễm trung bình (điểm 5). Các điểm còn lại các giống nhiễm bạc lá nhẹ (điểm 1).

+ Rầy nâu: Tại Thanh Hoá, Hải Dương các giống bị nhiễm rầy nhẹ (điểm 1). Ở Điện Biên, Hà Tĩnh các giống Hương cốm 2, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7 nhiễm rầy điểm 3. Các giống HT1, Nông Lâm 7 nhiễm trung bình (điểm 5) tại Điện Biên.

+ Sâu cuốn lá: Tại Thái Bình các giống SH4, Hương cốm 2, BT13, Hương thơm số 1 bị nhiễm mức trung bình (điểm 5). Tại Hải Dương, Điện Biên, Thái Bình các giống Nông lâm số 7, QR1, Bắc thơm số 7 bị sâu cuốn lá điểm 3.

+ Sâu đục thân: Tại Hải Dương, Phú Thọ các giống Nông lâm số 7, QR1, Hương cốm 2, Nàng xuân, BT4 bị hại điểm 3. Các điểm còn lại các giống bị hại nhẹ (điểm 1).

- Năng suất: Năng suất thực thu của các giống trung bình từ 49,50-58,45 tạ/ha. Giống Nông lâm số 7 cho năng suất cao nhất 58,45 tạ/ha. Các giống Nàng xuân, Hương cốm 2, BT4, BT13 cho năng suất khá (49,50-56,04 tạ/ha) cao hơn giống Bắc thơm số 7 (47,07 tạ/ha). Các giống SH4, Nông lâm số 7 có năng suất trung bình tại các điểm khảo nghiệm từ 56,04-58,45 tạ/ha, tương đương và cao hơn giống Hương thơm số 1 (56,29 tạ/ha).

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

1. Kết luận:

- Giống đã qua 3 vụ khảo nghiệm có triển vọng:

Nhóm ngắn ngày: DT 45, KN2.

Nhóm ngắn ngày chất lượng: Nông Lâm 7, SH 4, Nàng xuân.

- Giống đã qua 2 vụ khảo nghiệm có triển vọng:

Nhóm trung ngày: MT08-10, TB10.

Nhóm ngắn ngày và nếp: MT08-9, Hoa ưu 109, NV1.

- Giống khảo nghiệm vụ đầu có nhiều đặc điểm tốt: XT27, TBR36, BT13, BT4, Hương cốm 2, ĐT52.

2. Đề nghị:

- Giống đã qua 3 vụ khảo nghiệm có triển vọng tiềm năng năng suất cao và một số đặc điểm nông học tốt: DT 45, KN2, Nông lâm 7, SH 4, Nàng xuân đề nghị cho phép sản xuất thử theo quy định.

- Các giống triển vọng qua 2 vụ khảo nghiệm: MT08-10, TB10, MT08-9, Hoa ưu 109, NV1 đề nghị tiếp tục khảo nghiệm cơ bản kết hợp với khảo nghiệm sản xuất để đánh giá khả năng mở rộng ra sản xuất.

- Các giống khảo nghiệm vụ đầu tiên có tiềm năng năng suất và một số đặc điểm nông học tốt cần tiếp tục khảo nghiệm để đánh giá chính xác hơn.