00:00 Số lượt truy cập: 3229676

Kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 22 tháng 5 năm 2014, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về "Tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi 2011 - 2013".


Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy banTrung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chủ trì có đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBNDtỉnh Hà Nam. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT của 30 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Theo tính toán của các chuyên gia, hàng năm tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải vào môi trường khoảng 80 – 85 triệu tấn chất thải rắn. Đây là nguồn ô nhiễm báo động ở nông thôn làm ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí, đất và sức khỏe cộng đồng. Sử dụng chất đệm lót sinh học trong chăn nuôi mà đại diện là chế phẩm BALASA N01 đang là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải vật nuôi hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, qua 3 năm thử nghiệm và áp dụng chất đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã thu được những kết quả nhất định song cần tiếp tục khắc phục hạn chế phát sinh, điều quan trọng là phải được nông dân tiếp nhận. Kết quả ứng dụng đệm lót sinh học đã giảm thiểu ô nhiễm mùi, giảm chi phí, giảm điện và nước dùng, hạn chế mầm bệnh tại chuồng nuôi, nâng cao khả năng tăng trọng của vật nuôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần nghiên cứu thay đổi kết cấu chuồng nuôi cho phù hợp, nghiên cứu vật liệu thay thế mùn cưa vì số lượng hạn chế, nên hình thành cơ chế sản xuất sản phẩm đồng bộ, có nhà máy chế biến sẵn tại chỗ để thuận tiện cho nông dân áp dụng; nghiên cứu sự ảnh hưởng và tác động của chế phẩm tới môi trường đất và nguồn nước. Bộ Nông nghiệp &PTNT nên chủ trì đề án phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả kinh tế cao và không gây ô nhiễm môi trường, qua đó sẽ phối hợp với các tỉnh, Bộ KHCN và MT, Hội Nông dân để triển khai.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Chăn nuôi, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hậu Giang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã tiếp thu ý kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và kết luận Hội nghị. Đồng chí cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học BALASA N01 và Quy trình ứng dụng chế phẩm BALASA N01 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là hướng đi mới và thu được những kết quả bước đầu đã được khẳng định là không gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, giảm bệnh tật, lợn tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn, vì vậy mà hiệu quả cao hơn, phù hợp với chăn nuôi lợn, gà quy mô nông hộ. Kết quả trong 3 năm qua, đồng thời vừa nghiên cứu hoànthiện công nghệ, vừa triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học tại 40 tỉnh/thành phố, cả nước đã áp dụng 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT kết hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình, đề xuất cơ chế chính sách để đưa chế phẩm, nguyên liệu làm đệm lót sinh học vào sản xuất công nghiệp nhằm giảm giá thành, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhân rộng chăn nuôi trên đệm lót sinh học./.