00:00 Số lượt truy cập: 3228274

Khẩn trương khắc phục tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi 

Được đăng : 03/11/2016

Trước tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người nuôi không nên nóng vội thả giống.


Hiện nay, vẫn còn thời vụ thả nuôi, vì vậy nên chờ mưa giao mùa xuống để môi trường ổn định trở lại. Người nuôi tôm cần cải tạo ao bằng cách bón vôi, nâng pH (độ chua, độ kiềm), đồng thời bừa kỹ, ngâm từ hai đến ba ngày để phân hủy chất độc Cypermethrin, Deltamethrin trong bùn đáy. Những nơi nuôi tập trung không đủ nguồn nước sạch nên chuyển một phần diện tích sang nuôi bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Theo Phòng thủy sản (Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh), dịch đốm trắng đã bùng phát và làm hơn năm ha với hơn 1,7 triệu con giống của các hộ nuôi tôm ở các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh bị bệnh. Phần lớn diện tích bị bệnh đều nuôi tôm he. Dịch đốm trắng ở tôm bắt đầu bùng phát từ đầu tháng 5 và nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Chi cục thú y tỉnh đã cấp hóa chất Chlorine cho các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh xử lý các ao nuôi bị bệnh và triển khai các biện pháp khoanh vùng khống chế dịch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã thả tôm nuôi được 84.156 ha (đạt 97,2% kế hoạch), gồm: 68 nghìn ha tôm - lúa, 941 ha tôm công nghiệp và hơn 15.200 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, có hơn 7.300 ha bị thiệt hại từ 20 đến 80% do tôm nhiễm bệnh và chết, trong đó huyện An Minh bị nặng nhất với 5.000 ha. Hiện nay, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại này cơ bản đã khắc phục xong.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đến thời điểm này nông dân các huyện ven biển vùng nuôi tôm sú đã thả nuôi 1,8 tỷ con tôm giống trên diện tích 23.133 ha. Trong đó gần 900 triệu con tôm giống của 8.115 hộ thả nuôi bị chết, trên diện tích hơn 7.862 ha. Ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Theo thống kê, chỉ có 37,7% số tôm sú giống thả nuôi ở Trà Vinh được kiểm dịch, là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm nuôi chết trên diện rộng.