00:00 Số lượt truy cập: 2678144

Khôi phục vựa rau sau ngập úng: Không theo phong trào trồng “độc đinh” 

Được đăng : 03/11/2016

Sau trận ngập úng, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của nông dân và sự hỗ trợ kịp thời của ngành Nông nghiệp thành phố, hàng chục nghìn héc - ta rau xanh đang được khôi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, việc gieo trồng đa dạng các loại rau ngắn và dài ngày cũng cần được đặt ra, để bảo đảm việc cung ứng rau ra thị trường ổn định và đạt hiệu quả cao.


"Sốt" rau xanh - nghề làm giống lên ngôi

Trên đường từ xã Thư Phú, Hà Hồi, Tân Minh đến Vân Tảo… huyện Thường Tín (Hà Nội), bên cạnh những thửa ruộng trồng đào cây khô xơ xác sau nửa tháng ngập chìm trong nước, những luống đất đã được xới xáo lại để gieo trồng rau xanh ngắn ngày. Một màu xanh mát mắt từ vườn ươm của hộ gia đình đến những cánh đồng.

Hiện cơn sốt giống rau tại các địa phương đã "hạ nhiệt" nhưng giá vẫn ở mức cao. Giá giống su hào trước đây chỉ 60 nghìn đồng/1.000 cây giống, nay 200 nghìn đồng, giống bắp cải 250 nghìn/1.000 cây, giống lơ xanh 400 nghìn - 700 nghìn đồng/1.000 cây. Không khí mua bán cây rau giống ở các xã Thư Phú, Hà Hồi hết sức sôi động. Bà con nông dân từ khắp các nơi của Hà Nội cũng như các tỉnh khác về đây mua giống. Các hộ gia đình làm rau giống ở khu vực này đã thu về hàng trăm triệu đồng như "trở bàn tay". Người dân ở đây có kinh nghiệm, kỹ thuật làm giống, các giống cải bắp, su hào, súp lơ… lại đều là giống tốt của Nhật, Hàn Quốc cho năng suất cao, thích ứng tốt với thời tiết và đã có tiếng từ lâu nên được nông dân nhiều nơi ưa chuộng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Hà Hồi cho biết: Trong trận ngập lụt vừa qua, 2 sào làm rau giống của gia đình anh không bị ngập, dự báo được thị trường rau giống sau ngập úng, gia đình anh đã tập trung ươm giống su hào, cải bắp, súp lơ. Đúng như dự tính, trừ chi phí các loại, với 2 sào ươm rau giống gia đình anh đã thu được gần 100 triệu đồng/lứa.

Mấy sào rau của gia đình chị Nguyễn Thị Su nằm ở xứ đồng cao không bị ngập, lại gặp lúc Hà Nội khát rau xanh, chị bán được với giá "trên trời" 10 - 15 nghìn đồng/kg cải ngọt. Vậy nên lứa rau vừa rồi gia đình chị thu tới 20 triệu đồng/2 sào. Rất ít nhà nông được như vậy, bởi nhà mất thì nhiều mà nhà được thì ít.

Cần trồng đa dạng các loại rau

Từ ngày 11-11 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chuyển về cho các địa phương gần 100 tấn giống rau củ các loại. Tuy nhiên, bà con nông dân ở nhiều nơi như Thường Tín, Mê Linh cho rằng: "Trên cấp giống gì thì cứ nhận thôi, chứ không thể gieo trồng cải củ trên cả trăm héc-ta đất ướt được, vả lại củ cải kén đất lắm. Hơn nữa bà con nông dân nhiều nơi trồng hành tây, su hào, súp lơ quen rồi. Theo Sở NN - PTNT Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 11.500 ha rau xanh mất trắng do ngập lụt cần khôi phục. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông chuyển gần 80 tấn hạt giống cải củ, cải ăn lá, khoai tây cho 22 địa phương. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã cho kiểm tra lại việc cung ứng giống rau cho các cơ sở, riêng giống cải củ phải thích nghi với đồng đất của từng vùng mới có thể trồng được.

Bà con nông dân ở những "vựa rau" truyền thống của các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mê Linh, Hoài Đức đang hối hả gieo trồng vụ mới. Với kinh nghiệm trong nghề hơn 20 năm trồng rau, anh Đặng Đình Bình ở xã Thư Phú - Thường Tín tiên lượng: Giá rau chỉ khoảng 1 tháng nữa sẽ giảm nhanh chóng, với mức đầu tư cho giống cao như hiện nay, rất có thể người nông dân chỉ "hòa" gốc, có điều đã làm nghề trồng rau không ai bỏ ruộng trống.

Vấn đề đặt ra là, các địa phương cần phải tính toán kỹ lưỡng khi gieo trồng rau xanh, không nên trồng theo phong trào một loại "độc đinh" mà nên trồng đa dạng các loại rau từ chủng loại đến thời gian thu hoạch, đặc biệt chú trọng tới các loại rau cao cấp để đạt giá trị thu nhập cao, bảo đảm cung ứng thỏa mãn nhu cầu rau xanh cho Hà Nội trong những ngày tới và cả đến Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và những tháng tiếp theo.