00:00 Số lượt truy cập: 2676094

Khuyến khích nông dân áp dụng phương pháp gieo thẳng 

Được đăng : 03/11/2016
Phương pháp gieo thẳng lúa đã được áp dụng ở các tỉnh phía Bắc từ những năm 1970, tuy nhiên, việc mở rộng còn hạn chế do tập quán gieo mạ, cấy lúa đã ăn sâu vào tiềm thức của nông dân. Vụ đông xuân 2007 - 2008, kỹ thuật gieo lúa thẳng hàng bằng công cụ kéo tay đã giúp hàng ngàn hecta lúa ở miền Bắc kịp thời vụ.

Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tới 38 ngày khiến hàng ngàn hecta lúa mới cấy và mạ vụ đông xuân 2007 - 2008 ở miền Bắc chết rũ. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện bằng được kế hoạch gieo cấy trong khung thời vụ cho phép, và một trong những giải pháp hữu hiệu là áp dụng biện pháp gieo thẳng lúa trên những chân đất chủ động tưới tiêu. Toàn vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ gieo cấy khoảng 1.120.300ha, trong đó diện tích gieo thẳng đạt 155.200ha, chiếm 13,5%. Đến nay, đã có 21/33 tỉnh áp dụng biện pháp này, trong đó một số tỉnh có diện tích lúa gieo thẳng cao như Quảng Bình (25.870ha), Hải Dương (24.000ha), Hưng Yên (8.230ha) … Hầu hết diện tích lúa gieo thẳng đều sinh trưởng tốt, cây đẻ nhánh khoẻ, đồng đều; ruộng lúa gieo thẳng có quần thể phát triển ưu thế hơn so với diện tích cấy đại trà. Mặc dù thời điểm gieo thẳng chậm hơn thời gian cấy 20 - 22 ngày nhưng thời điểm trỗ chỉ sau lúa cấy 7 - 10 ngày. Điều đáng nói là năng suất lúa gieo thẳng đạt khoảng 60 tạ/ha, cao hơn so với lúa cấy.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, địa phương áp dụng phương pháp gieo thẳng nhiều nhất ĐBSH, vụ đông xuân, năng suất lúa đạt bình quân 63 tạ/ha, cao hơn so với vụ đông xuân 2007 (58,4 tạ/ha). Tại một số huyện có diện tích gieo thẳng lớn như Cẩm Giàng, Bình Giang, năng suất đạt tới 68 tạ/ha, cao hơn lúa cấy mạ dược 10 - 20%. áp dụng gieo thẳng còn giúp nông dân tiết kiệm thời gian, chủ động thời vụ để làm vụ đông sớm, tiết kiệm công lao động trong khâu cấy, nhổ mạ. Nếu gieo bằng công cụ sạ hàng, bà con còn giảm được 30% lượng giống so với gieo vãi, cấy.

Ông Bùi Kim Sảnh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hồ Tùng Mậu (Ân Thi - Hưng Yên) cho biết: “Vụ xuân 2008, toàn xã gieo cấy 470ha lúa thì trên 90% là gieo thẳng, chủ yếu là các giống Khang dân, Bắc thơm 7 và một số loại lúa lai. Lúa lên nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cao”. Bà Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam khẳng định: “Gieo thẳng là biện pháp hay, vừa giúp nông dân giảm công làm mạ, nhổ mạ, cấy, vừa giảm chi phí mua nylon che phủ, khắc phục tình trạng thiếu lao động, cần khuyến khích áp dụng vào sản xuất”.

Qua tính toán, gieo thẳng giúp nông dân tăng thu nhập khoảng 435.000 đồng/ha so với cấy bằng mạ sân và tăng 5.385.000 đồng/ha so với cấy bằng mạ dược. Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: “Hiện nay, nhiều nơi đang thiếu giống nghiêm trọng, trong khi đó, phương pháp gieo thẳng giúp giảm được 20 - 30% lượng giống, giảm thuốc trừ sâu. Phương pháp này là đòn bẩy giúp quá trình dồn điền đổi thửa ở nhiều nơi thực hiện dễ dàng hơn, tăng cường sự hợp tác trong sản xuất. Vì vậy, nơi nào có đủ điều kiện áp dụng gieo thẳng thì cần đẩy mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý nông dân về kỹ thuật gieo, phương pháp chăm sóc. Nơi nào chưa bao giờ gieo thẳng, gieo vãi thì cần xây dựng ít nhất 1 mô hình với quy mô 5 - 10ha để rút kinh nghiệm”.