00:00 Số lượt truy cập: 3228104

Kinh tế nông nghiệp và nông thôn năm 2011: Những điểm nhấn 

Được đăng : 03/11/2016

 Năm 2011 nhiều khó khăn đã đi qua với bao cảm xúc. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng để lại những ấn tượng đậm nét. Trong đó, kinh tế nông nghiệp và nông thôn được xác định đã lập đại công với những dấu ấn đậm nét. Trên cơ sở đó, Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn đã nghiên cứu và rút ra 10 điểm nhấn sau


1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đưa ra định hướng chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 cho nền kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng. Theo đó Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) nêu rõ: Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Trên tinh thần Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã đề ra định hướng lớn: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững nhằm khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hoá lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Đó là điểm nhấn đặc biệt quan trọng bởi đây là quan điểm chỉ đạo của Đảng.

2. Sau Đại hội Đảng, nhân dân cả nước đã hồ hởi, phấn khởi tham gia thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân để bầu đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Sau hai kỳ họp, Quốc hội khoá XIII đã phân tích mổ xẻ nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, trong đó vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, Quốc hội đã quyết định tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn và thông qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn cho những năm tới. Cụ thể là trong 5 năm tới đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng gấp 2 lần so với với giai đoạn 2005 - 2010; phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.


Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

3. Sản xuất và xuất khẩu nông sản lập đại công, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp đạt 25 tỷ USD, tăng 29% (5 tỷ USD) so với năm 2010, xuất siêu 9,2 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: gạo (xuất 7,2 triệu tấn, giá trị 3,7 tỷ USD), cao su (3,3 tỷ USD), càphê (2,7 tỷ USD), lâm sản và đồ gỗ (4,1 tỷ USD), hồ tiêu (130 ngàn tấn, giá trị 775 triệu USD), điều (1,5 tỷ USD), thuỷ sản ước đạt trên 6 tỷ USD, xuất khẩu rau, hoa, quả đạt kim ngạch trên 600 triệu USD... Trong 8 thành viên câu lạc bộ xuất khẩu trên 3 tỷ USD trở lên, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có 4 ngành hàng (thuỷ sản, gạo, gỗ, cao su).

4. Chương trình nông thôn mới tuy mới triển khai nhưng đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên chính quyền và bà con ở nhiều địa phương đã có chuyển biến trong nhận thức, giảm sự trông chờ vào Trung ương, tạo nên sức mạnh tập thể với nhiều phong trào quần chúng như hiến đất mở đường, hiến đất xây trường... Nhiều xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương. Tuy vậy, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề, đáng chú ý là nhận thức của cả chính quyền và người dân ở một số địa phương và nguồn kinh phí khiến công tác quy hoạch, nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2011 đã không thể đúng kế hoạch.

5. Sau 2 năm triển khai, chương trình dạy nghề cho nông dân theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã thu được nhiều kết quả tích cực với nhiều cách làm sáng tạo. Những nơi được xây dựng mô hình điểm, khoảng 70% lao động được đào tạo nghề có việc làm phù hợp, có nơi, tỷ lệ này là 90%. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo 1 triệu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu; chất lượng đào tạo, công tác kiểm tra giám sát cũng có những vấn đê cần điều chỉnh cho phù hợp để đạt kết quả cao hơn.

6. Nhiều Festival tôn vinh nhà nông và các loại nông sản đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, cả trong và ngoài nước như: Festival lúa gạo ở Sóc Trăng, Festival chè ở Thái Nguyên, Festival hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại các lễ hội này, người nông dân được tôn vinh.

7. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai. Trong đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nhà nông và doanh nghiệp.

8. Thiên tai dồn dập, biến đổi phức tạp: hết chống rét lại chống nóng, đầu năm miền Bắc hạn, cuối năm lũ cao và kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ kéo dài ở miền Trung... Lũ lụt ở Nam Bộ đã gây thiệt hại lớn cho vùng trọng điểm thuỷ sản, lúa gạo và cây ăn trái, ước thiệt hại 4.000 tỷ đồng, làm 85 người chết. Dịch heo tai xanh trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đàn lợn, đẩy giá thịt lợn tăng cao.

9. Lạm phát cao khiến giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của nông dân, khiến đời sống nông dân thêm phần khó khăn. Mặc dù là cường quốc nông nghiệp nhưng hàng năm ta vẫn phải nhập trên 3 tỷ USD nguyên liệu đầu vào phục vụ phát triển sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nuôi thuỷ sản. Giá trị gia tăng của ngành chỉ đạt 2,3% so với 3,5 - 4% của những năm trước. Là cường quốc nông nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp của ta còn nhiều điểm yếu: sản xuất manh mún, chất lượng sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao...

10. Trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất lúa, đất "bờ xôi, ruộng mật" thu hẹp nhanh do đô thị hoá và triển khai khu, cụm công nghiệp, sân golf,... và vấn đề an ninh lương thực quốc gia trước những biến đổi bất thường, phức tạp của khí hậu, vấn đề bảo vệ đất lúa được xã hội đặc biệt quan tâm. Việc bảo vệ đất lúa đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần thứ 3, BCH T.Ư Đảng khoá XI và kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII. Theo Nghị quyết của Quốc hội, bằng mọi cách phải bảo vệ 3,8 triệu hecta đất lúa.