00:00 Số lượt truy cập: 2638481

Kỹ thuật mới phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm 

Được đăng : 03/11/2016

Thuyết phục nông dân phá bỏ giống dâu cũ, thay bằng giống dâu mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng nghề trồng dâu nuôi tằm… được xem như một cuộc “cách mạng” đối với người dân vùng bãi Hưng Yên.


Thay đổi quan niệm truyền thống

Ts. Ngô Hùng Mạnh – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên cho biết: Tỉnh có trên 8.000ha diện tích đất bãi sông Hồng và sông Luộc phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây dâu. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích dâu trước đây được dùng để trồng giống dâu cũ, năng suất chỉ đạt 18-20 tấn lá/ha/năm, chất lượng không cao, kèm theo kỹ thuật nuôi tằm và công nghệ ươm tơ truyền thống nên sản phẩm tơ chưa đáp ứng sản lượng và chất lượng xuất khẩu.

Từ năm 2002, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nghề trồng dâu lai, nuôi tằm giống mới và ươm tơ cơ khí Hưng Yên”, các cán bộ khoa học của Sở đã tìm kiếm và khảo nghiệm giống dâu lai F1-VH9 để thay thế giống dâu cũ, giống tằm kén trắng lưỡng hệ thay thế giống tằm kén vàng. Tiếp thu công nghệ sản xuất hạt dâu lai, quy trình kỹ thuật ươm cây giống, kỹ thuật nuôi tằm để chuyển giao cho bà con.

Chủ động được công nghệ sản xuất giống dâu, các cán bộ khoa học lại đi đến từng hộ trồng dâu để thuyết phục thay đổi giống mới. Đây là một việc không đơn giản vì “họ sợ thất thu một vụ tằm, hơn nữa người nông dân cũng chưa biết giống dâu mới, tằm mới cho năng suất và chất lượng như thế nào, nên không ai muốn thay đổi”, anh Nguyễn Hải Linh, cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN của Sở cho biết.

Lúc này các cán bộ khoa học phải đóng vai những nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con sử dụng giống mới và kỹ thuật tiến bộ để canh tác và chăm sóc. Kết quả đã có 865 hộ thuộc 7 xã của các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và thị xã Hưng Yên tham gia mô hình chuyển đổi giống dâu cũ, tằm kén vàng sang giống mới. Bà con được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát từ khâu trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cán bộ khoa học của Sở phải đến từng ruộng dâu hướng dẫn bà con cách trồng, đến từng hộ nuôi tằm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật để chăm sóc, vệ sinh nhà nuôi và phòng bệnh cho tằm.

Hiệu quả kinh tế

Tính đến tháng 3/2007, đã có trên 55ha dâu được trồng theo giống mới. Bà con tham gia mô hình được cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, kỹ thuật nuôi tằm… Hiệu quả đã nhìn thấy rõ rệt, các hộ gia đình áp dụng giống mới, kỹ thuật tiến bộ cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. So sánh trên 1ha dâu giống cũ đạt trên 49 triệu đồng/ha/năm, trong khi giống dâu lai đạt trên 79 triệu đồng/ha/năm. Nếu giống tằm kén vàng giá là 23.000-25.000đồng/kg, giá kén trắng là trên 45.000đ/kg. Do giống dâu lai lá dày, bản to nên tiết kiệm được 627 công lao động/1ha thu hái lá dâu.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn 2, xã Hoàng Anh, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết: hiện gia đình tôi vẫn đang trồng giống dâu cũ, mỗi lần thu hái rất vất vả nhưng hiệu quả lại không cao. Trước kia do chưa hiểu hết về giống mới, kỹ thuật mới nên không dám chuyển đổi. Giờ thấy các gia đình sử dụng giống dâu, tằm mới cho hiệu quả cao hơn hẳn nên gia đình tôi muốn tham gia mô hình để được hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc.

Anh Lương cho biết thêm: Mặc dù bà con nông dân đã tin vào kỹ thuật tiến bộ nhưng hiện nguồn giống tằm cung cấp cho nông dân chưa có nơi nào cung ứng đủ về số lượng, kịp thời vụ, thị trường kén chưa ổn định nên bà con chưa yên tâm sản xuất. Chính vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà kỹ thuật và nhà nông để khôi phục phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, giải quyết việc làm cho người lao động vùng bãi.