Sáng nay (12/01), tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đối thoại trực tuyến với nhân dân.
![]() Trả lời ông Thế Xuân ở Lục Ngạn, Bắc Giang về những thắc mắc: “Chúng tôi là những hộ dân thu mua quả vải và chế biến xuất khẩu, xin hỏi là những người nông dân như chúng tôi muốn vay vốn để mở rộng sản xuất có được hỗ trợ vay vốn hay không và tiếp cận có khó khăn không?”. Với câu hỏi của ông Đàm Lê Đức (Hoàng Mai - Hà Nội): “Hiện nay Đảng, Nhà nước có định hướng mới về phát triển hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp thủy sản chế biến, Thống đốc cho biết, định hướng tín dụng trong ngành này năm 2012 và 5 năm tới?”. Ông Bình nhấn mạnh, trong 2012 và 5 năm tới, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chính sách tín dụng của NHNN và các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Nét khác trong chính sách tín dụng của NHNN đối với nông nghiệp và nông thôn năm nay là ở chỗ, bên cạnh vẫn đảm bảo nguồn vốn để hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn bình thường như những năm vừa qua thì chúng ta tập trung vào mấy lĩnh vực sau đây: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Hay nói một cách khác là đưa tiến bộ của khoa học và kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp và nông thôn; tạo ra hạ tầng chế biến sản phẩm nông nghiệp một cách đồng bộ hơn. Ví dụ, hệ thống kho bãi để hoạt động tích trữ thu mua lương thực, các kho đông lạnh, và các cơ sở chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản. Hiện nay chúng ta đã có nhưng chưa đồng bộ, và chưa được quy hoạch một cách chắc chắn. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT để có cơ chế hỗ trợ vốn vào lĩnh vực này đảm bảo cho hoạt động của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn không những vẫn duy trì như thời gian vừa qua, mà còn có bước phát tiển mang tính chất đột phá trong những giai đoạn sắp tới, giúp bà con nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn có thể làm giàu ngay trên quê hương mình. Về những thắc mắc của ông Đặng Văn Quang, một doanh nhân ở Hà Nội là trong những năm qua, ở trung tâm các đô thị lớn, hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng được phát triển khá rầm rộ. Ở Hà Nội, có những đoạn phố ngắn mà hiện diện đủ các ngân hàng lớn – bé. Tuy nhiên, vẫn có một nghịch lý là ở các vùng nông thôn thì số lượng phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng lại rất ít, và nghiệp vụ cũng rất hạn chế. Các dịch vụ ngân hàng được thiết kế chủ yếu cũng để hướng tới người dân thành phố. Sự bất hợp lý này gây ra bất ổn gì? Và làm sao để xử lý những bất ổn đó? Thống đốc cho rằng, việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng về khu vực nông thôn cũng là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách của NHNN. Tuy nhiên, thực tế, cung cầu phải đi với nhau. Trước đây, nhu cầu trong lĩnh vực này ở khu vực nông thôn là không cao, chi phí để các ngân hàng phát triển mạng lưới về đây rất lớn. Thế nhưng, kết quả hoạt động thời gian vừa qua, đặc biệt là năm 2011 cho thấy nếu các ngân hàng thương mại xây dựng các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn thì có khả năng phát triển rất lớn trong thời gian tới. Bởi vì, tỷ lệ dân số Việt Nam ở nông thôn, gắn với nông nghiệp rất cao, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, các dịch vụ ngân hàng có điều kiện phát triển. Đó cũng là một định hướng của NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại, thay vì chỉ tập trung ở các thành phố lớn thì hãy mở rộng ra lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. |