00:00 Số lượt truy cập: 2637586

Lâm Đồng - Hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016
Việc áp dụng công nghệ sinh học phối hợp với các biện pháp canh tác của chương trình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo bước đột phá về sản lượng và chất lượng hàng nông sản của Lâm Đồng, tạo cơ hội thuận lợi và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đột phá nhờ công nghệ cao

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã phát triển khá sớm với các sản phẩm đặc trưng như: rau, hoa, trà, cà phê. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, nơi đây đã hình thành những làng sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao vì canh tác theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ. Cho đến năm 2001, địa phương đã đưa các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hướng đến sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Đóng gói hoa tại Công ty Dalat Hasfarm.

Bước đột phá lớn trong việc ứng dụng công nghệ cao là khâu sản xuất cây giống, thay thế các loại giống đã thoái hóa sang giống chất lượng cao. Đi đầu trong công tác nhân giống là các cơ sở nhà nước như Viện Sinh học Tây Nguyên, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ… Sau đó là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn như: Công ty Rừng hoa Đà Lạt, Công ty Bonie Farm… Các đơn vị này đã thành công với phương pháp nhân giống in vitro, cung cấp cho nông dân các giống rau hoa sạch bệnh, chất lượng cao. Trong đó, Công ty Rừng hoa Đà Lạt mỗi năm cung cấp hàng triệu giống hoa chất lượng cho nhu cầu sản xuất nội địa và xuất khẩu. Hiện Lâm Đồng có hơn 100 giống rau, 60 giống hoa, 2 giống chè cao sản, 4 giống chè chất lượng cao…

Người đi đầu áp dụng mô hình lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà kính, tưới nước tự động, tưới thấm và màng phủ nhựa vào sản xuất nông nghiệp là ông Vương Chí Hùng (Công ty Oganik), sau đó được hàng ngàn nông hộ áp dụng theo. Theo ông Hùng, mức đầu tư từ 70 - 200 triệu đồng/sào, mô hình này giúp người sản xuất chủ động thời vụ, giảm thiểu tác động của thời tiết, nâng cao giá trị sản xuất. Ngoài ra, hàng loạt phương pháp kỹ thuật tiên tiến như: công nghệ giá thể tổng hợp, công nghệ tự động điều tiết ánh sáng và dinh dưỡng, thủy canh… cũng được áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Cuộc cách mạng về giống và ứng dụng kỹ thuật đã nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản. Nếu như giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 7,4%/năm thì giai đoạn 2006-2010 ước tính đạt 10,8%/năm, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đã tăng từ 20 triệu đồng/năm, lên 64 triệu đồng/năm (năm 2009) cao hơn 50% so với mặt bằng chung cả nước. Việc đầu tư công nghệ cao để có rau sạch, hoa xuất khẩu… đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Lâm Đồng với quy mô lớn, giúp Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất và chế biến nông sản hiện đại của cả nước.

Liên minh sản xuất

Sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường là mục tiêu phấn đấu của nền nông nghiệp. Để có nông sản sạch thì vấn đề kiểm soát từ khâu đầu tiên (nuôi, trồng), đến khi đưa sản phẩm ra thị trường đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Các trang trại kiểu mẫu như: rau Phong Thúy, Công ty trà Phương Nam, Hoa Langbian… là những đơn vị đi đầu trong việc hoàn chỉnh các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Cùng đó là việc hình thành các liên minh sản xuất có quy mô lớn giữa nông dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp hỗ trợ vốn và kỹ thuật, nông dân có tư liệu sản xuất, cùng liên kết để sản xuất sản phẩm an toàn. Trên cơ sở này, tại địa bàn Lâm Đồng đã hình thành hàng trăm mô hình hợp tác xã, đi đầu như: HTX Xuân Hương, HTX An Phú, HTX Hiệp Thành, HTX Anh Đào.

Nhiều cơ sở liên minh sản xuất công nghệ cao đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định như: Đà Lạt Hasfarm, Hương Sắc Đà Lạt, Đại Việt. Trong đó, HTX Anh Đào đã liên minh với hàng trăm hộ dân để sản xuất và cung ứng sản phẩm sạch cho hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn và xuất khẩu; Công ty Rừng hoa Đà Lạt hợp tác với các nông hộ sản xuất hoa cúc theo tiêu chuẩn Viet GAP để xuất khẩu…

Hiện cơ quan quản lý chất lượng của Việt Nam và quốc tế đã cấp cho các doanh nghiệp và nông hộ trong tỉnh 113 chứng chỉ bao gồm: Viet GAP, HACCP, Global GAP. Với những điều kiện thuận lợi này, các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương có cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.