Phượng Cách là xã có tốc độ đô thị hoá khá nhanh của huyện Quốc Oai (Hà Nội). Trước nguy cơ diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp, người dân nơi đây đã lựa chọn mô hình nuôi bò sữa để làm giàu ngay trên chính quê hương.
Phục hồi những “anh hùng thất thế”
Đó là cách nói vui của anh Đào Văn Nhâm, Chi hội trưởng Chi hội Người nuôi bò sữa xã Phượng Cách. Thoạt đầu mới nghe, khó ai có thể tin được những con bò bị loại thải vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của chủ nuôi cũ lại có thể làm nên cơm cháo nhưng đó là sự thật.
Đầu năm 2001, khi phong trào nuôi bò sữa phát triển rầm rộ, anh Nhâm cùng một số người “hiếu kỳ” ở Phượng Cách cũng “mon men” lên Ba Vì (Hà Nội) mua thử bò về nuôi. Nhưng do vốn có hạn, giá bò “chất” lại đắt đỏ, trong khi đó, không ít nhà tìm cách thanh lý những con bò là hàng “bỏ” với giá rẻ, thế là họ quyết định mua. “Lần đầu nuôi, có thất bại cũng không xót vốn”, anh Nhâm nghĩ. Chẳng biết do người nuôi “mát tay” hay điều kiện đất đai, khí hậu “hợp cạ” với bò mà con nào con nấy đem về đều béo tròn, lượng sữa ngày càng nhiều. “Có những con khi mới mua về chỉ cho 7- 8kg sữa/ngày, nhưng sau một thời gian nuôi ở Phượng Cách, lượng sữa lên đến 20-30kg/ngày”, anh Nhâm khoe.
Thành công của những người đi đầu đã thúc đẩy nhiều hộ dân trong xã “bám càng”. Phong trào nuôi bò sữa ở Phượng Cách ngày càng nở rộ. Năm 2006, được sự giúp đỡ của Trung tâm Gia súc lớn tỉnh Hà Tây (cũ), Chi hội Người nuôi bò sữa ở Phượng Cách được thành lập. Hội tiến hành liên kết với Nhà máy sữa quốc tế Dozi (Chương Mỹ) bao tiêu sản phẩm. Trung tâm Gia súc lớn cũng nhận tư vấn kỹ thuật chăm sóc và kiểm tra chất lượng sữa cho Chi hội.
Không còn lo phải tìm “đầu ra” cho sản phẩm cũng như kỹ thuật chăm sóc, người nuôi bò Phượng Cách yên tâm dồn hết tâm huyết vào những chú bò “cưng” của mình. Anh Nhâm cho biết: “Năm 2008, “cơn bão Melamine” làm nhiều người nuôi bò ở Ba Vì và Gia Lâm khốn đốn vì không bán được sữa, riêng chúng tôi vẫn chẳng hề hấn gì. Sữa làm ra đến đâu, nhà máy đến thu mua hết đến đó. Giá bán ổn định, hơn 7.000/kg”. Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phượng Cách nhận định: “Nuôi bò theo mô hình này không tốn nhiều diện tích, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một hộ thu nhập vài ba triệu đồng/tháng”. Ông Trí cũng cho biết, hiện trong số 65ha đất bãi, đã có 26ha được quy hoạch làm khu chăn nuôi tập trung. “Sắp tới chúng tôi sẽ xin tiếp 30ha nữa để nhân rộng các mô hình chăn nuôi. Trong đó sẽ ưu tiên bò sữa”, ông Trí nói.
Chậm mà chắc
Hiện, số lượng thành viên của Chi hội Người nuôi bò sữa Phượng Cách đã lên tới con số trên 20 người. Hộ ít nuôi 5 - 7 con, nhiều thì chục con. Chị Phùng Thị Oanh, chủ đàn bò sữa lớn nhất Phượng Cách cho biết, đàn bò nhà chị có 10 con, trong đó 8 con đang cho sữa. Mỗi ngày chị thu về hơn 1 tạ sữa tươi. Trung bình mỗi tháng gia đình có thu 10 triệu đồng từ bán sữa.
Dù không thể hiện thành văn bản nhưng có một điều dường như đã trở thành “tôn chỉ” trong phương thức chăn nuôi của những thành viên trong Chi hội Người nuôi bò sữa Phượng Cách, đó chính là sự thận trọng. Hay như cách nói của anh Nhâm, “chậm mà chắc”. Hiện trên thị trường có không ít giống bò ngoại chất lượng, vốn liếng cũng không phải là vấn đề quá khó khăn với người nuôi bò Phượng Cách, nhưng phần lớn các hộ vẫn trung thành với giống bò “bình dân”. Anh Nhâm lý giải: “Các giống bò ngoại nhập tất nhiên có nhiều ưu việt hơn nhưng chúng lại rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu, chăm sóc rất khó vì chúng đòi hỏi một quy trình khắt khe. Trước tiên cứ mua bò ở Việt Nam. Chúng đã quen khí hậu và dễ chăm sóc hơn. Khi nào cảm thấy tích luỹ đủ kinh nghiệm sẽ mua bò ngoại về nuôi. Chậm mà chắc, triết lý ấy không bao giờ sai”.
Anh Nhâm cho hay, sắp tới Chi hội sẽ phát triển lên thành HTX bò sữa Phượng Cách. “Chúng tôi đang nhân rộng mô hình này ra toàn xã và các xã lân cận. Nếu HTX bò sữa Phượng Cách được thành lập, quy mô và tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn. Băn khoăn của chúng tôi là làm sao có được chiếc máy kiểm định chất lượng sữa để củng cố thêm niềm tin cho khách hàng và nâng cao được giá sữa”.