00:00 Số lượt truy cập: 3228677

Làm giàu nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Lê Xuân Điệp (42 tuổi) là hội viên Hội Nông dân thuộc chi hội xóm Là Lưu, Tràng An, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006 - 2010. Con đường vươn lên thoát nghèo và làm giàu của gia đình anh với mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường.


Gia đình anh có 5 nhân khẩu trong đó có 1 cháu nhỏ còn đang đi học chưa đến tuổi lao động, với tổng diện tích đất của gia đình là 7 ha, trong đó có 0,05 ha đất ở, 4 ha trồng rừng, 0,5 ha trồng chè, đất trồng cây hàng năm 2 ha, diện tích mặt nước là 0,3 ha, đất chuồng trại chăn nuôi là 0,15ha. Với diện tích như vậy anh đã bàn bạc với gia đình là tập trung phát triển lấy ngắn nuôi dài để phát triển kinh tế bền vững, vực dậy nền kinh tế gia đình và hướng tới phát triển kinh tế trang trại.

Cùng với sự cố gắng của bản thân và gia đình cộng với cơ chế chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước, anh Điệp thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông và Hội Nông dân tổ chức. Ngoài ra anh còn chịu khó đi tham quan học tập kinh nghiệm những hộ nông dân làm kinh tế giỏi trong xã, trong huyện, trong tỉnh ... chịu khó tham khảo ở các phương tiện thông tin đại chúng như sách kỹ thuật, đọc tạp chí Hội, nghe đài, xem truyền hình các chương trình phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt ..

Được sự tạo điều kiện của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân ... tạo điều kiện cho vay vốn gia đình anh đã thực hiện mô hình tổng hợp VAC + R, hiện nay gia đình anh có 50 cây vải thiều, 100 cây nhãn (gồm các giống lãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương Chi, nhãn chi ..) là giống cho năng suất chất lượng cao được sự đón nhận của thị trường nên dễ tiêu thụ, giá cả ổn định đã cho thu hoạch được 5 - 6 năm, có 70 cây bưởi diễn, cam đường canh, cam Vinh đã cho thu hoạch; 100 cây ổi găng mới trồng đầu năm 2009, năm 2010 đã bắt đầu cho quả; 2 ha cây lâm nghiệp gồm keo lai, mỡ, đã thu hoạch được 0,5 ha và trồng mới keo lai trên diện tích đã khai thác. Với diện tích 0,5 ha trồng chè, hàng năm đều cho thu nhập cao vì chăm sóc tốt, thực hiện việc trồng chè sạch được học tập của các hội viên xã Liên Minh, Võ Nhai nên giá cả chất lượng ổn định.

Diện tích ao thả cá và diện tích chuồng trại gia đình anh đều chăn thả những giống cho năng suất chất lượng cao như chăn nuôi lợn hướng nạc, gà ta thả vườn, nuôi các loại cá có chất lượng cao như cá trắm, chép, rô phi đơn tính ...

Với diện tích VAC + R như vậy cộng với công sức của gia đình anh đều thuê nhân công trong xóm, trong xã do vậy đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nhàn rỗi có công ăn việc làm, với kinh nghiệm qua nhiều năm đúc kết qua việc phát triển kinh tế VAC + R anh đã giúp đỡ được nhiều hội viên, nông dân trong xóm về kỹ thuật, cây con giống và tạo điều kiện cho con cái học hành. Bên cạnh đó, anh và gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp và ủng hộ nhiều quỹ như: Quỹ vì người nghèo, hộ nghèo do Hội Nông dân tỉnh phát động, ủng hộ phong trào xóa nhà tạm, xây dựng nhà văn hóa thôn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt...

Do có sự bố trí hợp lý về lao động, cách làm kinh tế khoa học, hàng năm sau khi trừ các loại chi phí thuê nhân công, đầu tư cây con giống ... gia đình anh Điệp thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/khẩu/năm. Mô hình kinh tế của gia đình anh luôn được bà con gần xa đến học hỏi kinh nghiệm, công nhận là mô hình điển hình của xã được UBND xã, huyện, Hội Nông dân huyện, tỉnh nhiều năm liền tặng giấy khen.

Không dừng lại ở đó, anh và gia đình đang có kế hoạch phát triển mở rộng thêm khu chăn nuôi, quy hạch, quy mô thêm các khu vườn rừng đầu tư vốn, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con trong vùng, tăng hiệu quả kinh tế.