Ông Võ Văn Phụng là Giám đốc Công ty TNHH Phụng Tiến - một DN chuyên sản xuất phụ tùng cho các loại máy nông nghiệp. Khởi nghiệp từ một cơ sở nhỏ, nay Phụng Tiến đã hình thành doanh nghiệp (DN) với quy mô xưởng sản xuất rộng trên 2 ngàn m2 và 60 lao động. Tổng vốn đầu tư nhà xưởng và hệ thống máy móc thiết bị trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Chỉ tính năm 2010, DN đạt doanh thu trên 16 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Phụng giới thiệu phụ tùng máy gặt đập liên hợp do DN sản xuất. Ảnh: B.N
Năm 2000, ông Phụng cùng 3 người bạn mở cơ sở làm gia công sản phẩm cơ khí với vốn khởi nghiệp chỉ 20 triệu đồng. Một năm sau, 3 người bạn rút vốn, ông Phụng vẫn kiên trì theo đuổi công việc này. Qua 5 năm tích góp được số vốn nằm trong thiết bị máy móc trị giá khoảng 200 triệu đồng, ông Phụng quyết định thành lập công ty. Khi ấy, Phụng Tiến là vệ tinh sản xuất chi tiết máy cho Công ty máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno). Năm 2008, thời điểm ngành xây dựng phát triển mạnh, ông Phụng mạnh dạn đầu tư sản xuất thêm máy trộn bê tông. Do làm ăn uy tín, hiệu quả nên tiếng tăm Phụng Tiến được nhiều người biết đến. Năm 2010, tình hình xây dựng bắt đầu chựng lại, chủ DN Phụng Tiến lại nghĩ đến việc thay đổi hướng đi. Ông đã bỏ nhiều thời gian đi khảo sát thị trường trong nước, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long vì nhận thấy nhu cầu về các loại máy phục vụ nông nghiệp là tiềm năng lớn nhưng chưa được chú ý khai thác. Vì vậy, máy nông nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập từ nước ngoài, dù Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất. Đầu năm 2011, ông Phụng đầu tư 3 tỷ đồng mua thiết bị cải tiến quy trình sản xuất theo hướng hiện đại. Với đội ngũ 6 kỹ sư, hiện nay Phụng Tiến đã sản xuất được 60 loại phụ tùng, chi tiết của máy gặt đập liên hợp. Mỗi tháng, DN cung cấp ra thị trường trên 2 ngàn sản phẩm phụ tùng máy gặt, được thị trường chấp nhận.
Không chỉ “dám nghĩ, dám làm”, ông Phụng còn khá linh hoạt trong việc tạo dựng mạng lưới vệ tinh. Đến nay, Phụng Tiến đã có 5 công ty vệ tinh nhận làm gia công các chi tiết máy đơn giản và các đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành miền Tây. Ngoài ra, trong tháng 11 này, ông Phụng sẽ ký kết chuyển giao công nghệ mới từ Thái Lan về để sản xuất hệ thống máy hút bụi. Qua đó, ông sẽ tập trung sản xuất hệ thống máy này cho các nhà máy xay sát lúa với lợi thế tiết kiệm điện, tăng công suất và giải quyết tình trạng bụi cám ô nhiễm môi trường. Đây là tiền đề để Phụng Tiến thực hiện mục tiêu sản xuất được máy gặt đập liên hợp mang thương hiệu Việt với giá thành vừa túi tiền nông dân.