Từ “lão Hiền gàn”
Được giới thiệu trước về tỷ phú của đất Giang Tiên, nhưng khi gặp ông Nhâm Đức Hiền tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khoác trên mình bộ quần áo lao động đã cũ, lấm lem bùn đất: ông Hiền giản dị, dễ gần. Thấy có khách, ông tạm dừng công việc mời chúng tôi vào nhà. Bên ly trà xanh nóng hổi, ông tâm sự về quãng tuổi thơ không mấy êm ả của mình: Tôi sinh năm 1957, là người con của đất Hải Dương, bố mẹ bỏ nhau, tôi ở với mẹ. Cả quãng đời thơ ấu, tôi luôn thèm khát được gọi tiếng bố, được bố đẽo cho con quay, dán cho cánh diều… để tôi đi khoe với lũ bạn như chúng vẫn thường hãnh diện khoe với tôi rằng bố tớ làm cho cái này, cái kia! Từ khi bỏ mẹ, bố tôi lên Thái Nguyên làm công nhân của Mỏ than Phấn Mễ và định cư luôn ở đó. Đến khi lấy vợ, tôi mới quyết định đưa vợ con lên đây với mong muốn chăm sóc cho bố lúc tuổi già. Dồn hết tài sản mà vợ chồng tôi có được cùng với sự hỗ trợ của bố, tôi mua được một căn nhà ở phố Giang Tiên để ở. Thời điểm đó, mới lên lạ đất, lạ người, cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên tôi đã phải làm nhiều nghề để sống. Ngày ngày tôi đi mua lợn về thịt bán, đồng thời tranh thủ chăn thêm vài con bò. Nhà mặt phố, đất đai chật hẹp, nhà nọ sát nhà kia nên việc chăn nuôi ít nhiều cũng làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ xung quanh. Nhiều người phàn nàn đâm nản, đang tính chuyện thôi không chăn bò nữa thì năm 2004, tôi mua được khu đất bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ rộng khoảng 7ha. Khu đất mấp mô, gồ ghề sỏi đá chẳng trồng được gì, đường lên thì hun hút chỉ vừa chiếc xe đạp. Thêm nữa, do ở gần công trường khai thác nên bụi than lúc nào cũng đen nhẻm. Thấy tôi từ phố vào đây san đất dựng nhà, phát triển kinh tế ai cũng bảo tôi gàn, cái tên “lão Hiền gàn” được nhiều người dùng để gọi từ đó.
Trở thành “ông chủ đồn điền”
Mặc mọi lời dèm pha, trong suy nghĩ của ông Hiền cứ chăm chỉ làm lụng đất sẽ chẳng phụ công người. Thế là ông quyết chí bắt tay cải tạo khu đất. Trên diện tích đồi cao ông trồng toàn keo tai tượng. Thời điểm đó, đa số mọi người chỉ trồng bạch đàn, ở đất Giang Tiên chỉ có “lão Hiền gàn” mới đi mua giống keo về trồng. Không bao lâu sau, nhận thức được trồng keo mang lại hiệu quả kinh tế khá, những người có đất rừng lại bỏ bạch đàn chuyển sang trồng keo. Đến nay, 6ha keo của gia đình ông Hiền đều đã bằng cột nhà trong khi những diện tích keo của các hộ xung quanh mới bằng bắp chân người. Dẫn chúng tôi đi quanh những đồi keo, ông bảo: Số keo này đã được 6 tuổi rồi, chờ thêm 2 năm nữa tôi mới thu hoạch, bây giờ cứ “lấy ngắn nuôi dài” đã. Để trồng được 1 ha chè ông đã phải mất cả năm trời san ủi rồi mua đất mầu về đổ. Chất đất Thái Nguyên vốn đã hợp với cây chè, cộng với sự chăm sóc tỉ mỉ theo đúng quy trình kỹ thuật của ông nên chè nhà ông lúc nào cũng tủa búp xanh non hơn hẳn chè của những hộ quanh vùng. Từ diện tích chè này, mỗi năm ông thu khoảng 3 tấn búp khô, bán được trên 150 triệu đồng. Đưa tay ngắt búp chè non mởn đưa chúng tôi xem, ông cho biết: 2 ngày nữa là đến ngày thu hoạch chè, lại vất rồi đây. Nhà ít người, chỉ có 2 vợ chồng già này là lao động chính thôi còn 2 cháu thì vẫn tuổi ăn tuổi học nên mỗi khi vào vụ thu hái, tôi phải thuê thêm 6-8 nhân công hái chè. Tuy vất vả nhưng cuốn vào công việc tôi thấy cuộc sống vui và nhiều ý nghĩa hơn. Năm nay, tôi có kế hoạch trồng thêm 10 sào gừng vàng, đây là loại gừng chuyên để sản xuất trà gừng. Ở Thái Nguyên chưa có ai trồng đâu, tôi phải sang tận Trung Quốc học kinh nghiệm và lấy giống đấy. Để có đất trồng, tôi đã phải mua 200 xe đất về đổ trước nhà. Hiện nay, tôi đã trồng được một nửa, nửa còn lại đang đợi giống từ Trung Quốc sang. Số gừng này cuối năm nay sẽ cho thu hoạch.
Ngoài trồng trọt, ông Hiền còn chăn thêm bò, lợn. Có thời điểm, ông chăn đến 30 con bò và 200 đầu lợn. Đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây, mỗi năm ông chăn 2 lứa gà chọi, mỗi lứa khoảng 200 con. Sở dĩ ông chọn chăn gà chọi bởi vì chúng có sức đề kháng cao, dễ bán, giá lại cao gấp 2-3 lần so với gà thường. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của ông Hiền thì: Cái hay nhất của việc chăn gà chọi là mỗi lứa thế nào cũng xuất hiện vài con có tiềm năng trở thành “cầu thủ đá gà” chuyên nghiệp, những con này bán rất đắt, thường 7-8 triệu đồng/con, có con lên tới 15 triệu đồng, những con kém hơn thì bán với giá thấp hơn khoảng 3-4 triệu đồng/con, còn lại bán gà thịt cũng được 100 nghìn đồng/kg. Nhìn đàn gà con vàng óng chạy trên sân, ông cười tít mắt: Càng lao động, tăng gia, sản xuất tôi càng thấy say sưa. Cậu con trai duy nhất của mình đi học nghề chăn nuôi thú y. Cháu cũng thích thú công việc này lắm, hễ được nghỉ học là lại về giúp gia đình chăm sóc đàn gà, lợn…
Chia tay gia đình ông Hiền ra về, chúng tôi gặp mấy người khách của ông, trong câu chuyện giữa các ông, tôi ngầm hiểu họ đến để học ông Hiền cách làm kinh tế. Giờ đây không còn ai gọi ông là lão Hiền gàn nữa mà chuyển sang gọi ông bằng cái tên đầy tôn trọng và khâm phục: “ông chủ đồn điền”.