00:00 Số lượt truy cập: 2670906

Làm giàu từ cua 

Được đăng : 03/11/2016
Từ một nông dân tay trắng, anh Lê Văn Tâm đã làm giàu trên vùng đất nhiễm mặn của quê hương bằng chính sức của mình

Vượt qua chiếc cầu bắc ngang con rạch nhỏ, chúng tôi đến ngôi nhà mới khang trang được bao bọc bởi vườn cây ăn trái và cánh đồng nuôi cua rộng mênh mông ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ - TPHCM. Đó là cơ ngơi của vợ chồng anh Lê Văn Tâm- bà con thường gọi bằng cái tên thân mật “Tâm cua”.

Bí quyết nuôi cua

Trong gian bếp nằm kề bên ngôi nhà mới khang trang, vợ chồng anh Tâm đang lui cui cột dây cho những chú cua vừa được câu để chuẩn bị cho phiên chợ chiều. Chỉ trong nháy mắt, những chú cua to đã bị trói chặt, nằm im. “Nếu cầm trên mai và ấn nhẹ xuống thì cua không thể nào cử động được. Nhưng nếu không biết cách bắt thì bị cua kẹp như chơi”. Rồi anh dẫn tôi ra ruộng cua rộng 2,5 ha, dùng cần câu và vợt biểu diễn cách câu cua cho tôi xem. Trong vòng mươi phút, hàng chục chú cua đã nằm gọn trong giỏ của anh.

Anh Tâm kể: “Cứ khoảng 5 giờ chiều, cua đòi ăn. Thức ăn cho chúng là cá tạp. Muốn cua sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn nước phải thật sạch. Nơi cua sinh sống phải có độ sâu khoảng 1 m. Cực nhất là nuôi cua lột. Cua sau khi bỏ hết càng, ngoe (chừa lại phần mái chèo) khoảng 13 ngày thì lột. Khi ấy, phải tách cua nhốt riêng để chúng không ăn lẫn nhau. Còn với cua thịt thì nuôi khoảng 2 tháng rưỡi. Trong thời gian ấy, cua lột 2-3 lần với tỉ lệ hao hụt khoảng 60%. Muốn ít hao hụt, phải chọn cua cùng lứa để khi lột chúng không ăn lẫn nhau”. Anh Tâm cho biết thường từ đầu năm đến cuối tháng 6 là thời điểm thích hợp để nuôi cua thịt vì thời tiết ấm áp. Từ tháng 7 trở đi, trời lạnh, phù hợp với việc nuôi cua gạch.

Nhờ cua nên vợ nên chồng

Anh Tâm đến với nghề nuôi cua ngót nghét đã 15 năm. Chính nghề nuôi cua đã làm thay đổi cuộc đời anh, giúp anh từ một người nghèo khó trở nên giàu có. Nhưng có lẽ hạnh phúc lớn nhất với anh từ nghề là tìm được một người bạn đời tâm đầu ý hợp, đồng cam cộng khổ. Anh nhớ lại: “Đó là năm 1993, khi gia đình tôi quá khó khăn, đất không thể làm gì ngoài việc trồng cói. Là anh cả trong gia đình 7 anh em, để kiếm kế mưu sinh, tôi quyết tâm học nghề nuôi cua. Nghe mọi người đồn đãi, tôi tìm đến xã Bình Khánh học nghề từ ông Nguyễn Văn Đực”.

Lúc bấy giờ, ông Đực có một người con gái là chị Nguyễn Thị Ngọc Hồng. Chị Hồng thấy anh nghèo nhưng chí thú làm ăn nên để ý và đem lòng yêu mến. Đến cuối năm 1993, ngoài nghề nghiệp được “thầy” truyền dạy, anh còn được “thầy” gả luôn cô con gái cưng.

Năm 1994, vợ chồng anh trở về Tam Thôn Hiệp và bắt đầu nuôi cua. Họ cất một ngôi nhà lá giữa vùng đất hoang hóa, ngày ngày ra ruộng đào ao, lên liếp cải tạo đất. Anh được cha vợ cho mượn 5 triệu đồng làm vốn nuôi cua lột. Chị Hồng nhớ lại: “Hồi đó, đêm nào ảnh cũng ra ruộng, trầm mình dưới nước chờ cua lột để bắt đem lên nhốt riêng. Nhờ chịu khó nên chỉ vài tháng sau, tụi tôi đã trả hết nợ cho cha và còn tích cóp được một số tiền để tiếp tục nuôi cua”.

“Mong bà con cũng khấm khá như mình”

Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi, sau 15 năm nuôi cua, anh đã biến mảnh đất hoang thành trang trại nuôi cua. Trung bình mỗi tháng, anh chị đưa ra thị trường gần nửa tấn cua thịt. Được xem là thành công với nghề nhưng anh Tâm vẫn thường xuyên tham gia các khóa học nâng cao kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông - Hội Nông dân tổ chức. Anh nói: “Phải học mới có kiến thức để nuôi trồng hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, thất thoát ít hơn”.

Đến ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ - TPHCM, hỏi gia đình anh “Tâm cua” ai cũng biết. Vì ngoài việc nuôi cua thành công, anh còn truyền đạt kinh nghiệm của mình cho bà con xung quanh và giúp họ thoát nghèo. Không những thế, mỗi năm vào các dịp lễ, Tết, anh lại đóng góp, ủng hộ bà con nghèo. Anh tâm sự: “Người dân Cần Giờ còn nghèo lắm. Tôi cũng đã từng trải qua thời nghèo khó nên hiểu nỗi khổ cực của bà con. Vì vậy, tôi muốn giúp bà con thoát nghèo, đời sống khấm khá lên giống như mình”.

“Trong tương lai, tôi sẽ cho ra đời mô hình trồng lan kết hợp nuôi cua. Tôi còn ấp ủ ước mơ xây dựng khu du lịch sinh thái. Với mô hình này, tôi sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, giúp người dân quê tôi đỡ khó khăn hơn”- anh Tâm tâm sự.