Hơn 7 năm phục vụ trong Quân đội, năm 1983 xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Trung Kiên ở phố Hùng Thắng, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vừa tham gia công tác xã hội ở địa phương, vừa tranh thủ nấu rượu để nuôi lợn. Nhờ có chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giúp ông mạnh dạn phát triển kinh tế.
Được Đảng ủy, chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện, ông cải tạo 4 ha đầm lầy hoang hóa, bãi rác thải ở cạnh trạm bơm Thống Nhất (thị trấn Tiền Hải) để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái siêu nạc. Diện tích còn lại, ông đào ao nuôi cá nước ngọt, đắp bờ bao quanh để trồng cây ăn quả, cây cảnh.
Để “biến” 4 ha đầm hoang thành một trang trại khang trang như hôm nay, ông Kiên phải vất vả cực nhọc và tốn nhiều công sức. Ông cho biết: “Tôi phải đầu tư hàng chục nghìn mét rào dây thép gai bao quanh bảo vệ. Muốn thả được cá, nuôi 3 tầng thâm canh cho năng suất cao phải đào ao sâu, đắp bờ cao với khối lượng đất lên đến hàng trăm nghìn mét khối. Công việc tưởng chừng như khó vượt qua. Năm 2003, trong khi trang trại còn đang xây dựng, bờ ao đắp chưa xong, một trận bão lớn làm ngập toàn bộ trang trại, hàng chục tấn cá bị nước cuốn trôi, chuồng trại bị tốc hết mái, anh em lao động trong trang trại phải thay nhau dầm nước, đội bão giữ bạt để bảo vệ đàn lợn sinh sản. Cơn bão năm ấy đã gây thiệt hại không nhỏ cho trang trại vừa mới tạo dựng này. Sau đó là dịch cúm H5N1 ập đến, nhưng do có sự chuẩn bị trước, chúng tôi đã tiêm phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, nên dịch cúm gia cầm không xảy ra...”
Sau 8 năm, từ một khu đầm hoang vùng đất mà ông cùng các cộng sự đã tốn bao nhiêu mồ hôi nay đã trở thành một trang trại có quy mô lớn về chăn nuôi lợn nái siêu nạc, nuôi cá nước ngọt và trồng cây cảnh. Trang trại của ông Kiên lúc nào cũng có 200 con lợn nái siêu nạc, 1.500 con lợn choai. Riêng với 3.000 m2 mặt nước, mỗi năm ông thu từ 200 - 250 tấn cá các loại; hàng ngàn cây ăn quả, cây cảnh hứa hẹn một nguồn thu không nhỏ. Doanh thu hàng năm tăng dần, bình quân mỗi năm ông thu lãi 300 - 350 triệu đồng. Trang trại của ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo công việc.
Không những làm kinh tế giỏi, ông Kiên còn là người thực hiện tốt các nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, nhiệt tình tham gia các phong trào từ thiện xã hội do địa phương vận động, tổ chức như ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, khuyến học, bão lụt, xây dựng Nhà tình nghĩa ... Ông còn giúp nhiều bà con quanh vùng có hoàn cảnh khó khăn của địa phương vốn không lấy lãi, cây con giống. trang trại của ông là một mô hình mẫu, được nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Mỗi khi có đoàn cán bộ, hội viên nông dân đến tham quan học tập kinh nghiệm ông tư vấn rất nhiệt tình và chu đáo, tỷ mỷ về cách xây dựng trang trại, chọn cây con giống, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo đúng kỹ thuật, phòng tránh dịch bệnh, giữ vệ sinh môi trường ... đem lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt. Nhiề người khi trở về địa phương mình áp dụng mô hình này đã thành công.
Để tạo được được mô hình trang trại quy mô lớn như hôm nay, là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của ông Kiên và các công sự. Ông cho biết: ‘Để phát triển, mở rộng trang trại, tôi phải tiếp tục nâng cao kiến thức, áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào sản xuất, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Ông cũng mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Nông dân để hoạt động sản xuất kinh doanh của ông ngày một thành đạt hơn.