Bác Phạm Văn Mại ở xóm Tân Hòa, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là một trong những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Thanh Chương.
Võ Liệt là một xã miền núi bán sơn địa ruộng ít, qanh năm quần quật trên đồng ruộng đủ ăn đã khó chứ lấy đâu để làm giàu. Ban đầu để tạo dựng cuộc sống bác Mại đã làm đủ mọi thứ nghề từ thợ xây đến buôn bán vặt nhưng vẫn không sao thoát nghèo. Cuộc sống gia đình càng vất vả khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Cực chẳng đã, có lần bác đã bàn bạc với vợ vào miền Nam làm ăn. Năm 1995, Chính phủ ra Nghị định 327 về giao đất giao rừng cho bà con nông dân và bác quyết định nhận 35 ha đồi trọc tận mãi Cồn Tro - Đá Bạc để trồng rừng. Đây là một quyết định hết sức táo bạo, bởi từ xóm Tân Hòa đến khu vực nhận đất thầu xa hơn 5km lại toàn đường rừng và khu vực này từ trước tới nay chưa có một bóng người. Bạn bè, anh em bà con khi nghe tin ấy ai cũng ngăn can bác. Vợ bác, một người nông dân cần cù chịu khó rất tin ở chồng nhưng nghe mọi người khuyên can cũng nao lòng và có phần nản chí. Bác động viên vợ, nhưng trong thâm tâm cũng có phần lo, bởi khu vực đó đất đai hoang vu không một bóng người, điện lại không có, rồi nhà cửa, đường đi ... vốn liếng mới chỉ là con số không. Vốn dĩ là người ít nói, làm nhiều và khi đã quyết tâm thì đố ai làm bác thay đổi ý định.
Thời gian đầu, sáng sớm hai vợ chồng bác đạp xe vào rồi đào hố trồng cây, cần mẫn ngày này sang ngày khác. Sau vợ chồng bác quyết định vay tiền của bạn bè làm một căn nhà tre nghỉ tạm rồi mượn thêm người đào hố. Khi đã đào được kha khá, vợ chồng bác liên hệ với lâm trường Thanh Chương mua giống cây về trồng. Được lâm trường hỗ trợ giống, 2 năm sau vợ chồng bác đã trồng được 2 ha keo lá tràm. Để mở rộng sản xuất bác vay thêm tiền ngân hàng và anh em bạn bè vừa đào hố trồng cây, vừa trồng chè rồi chăn nuôi gia súc gia cầm. Ý thức được trong làm ăn phải lấy ngắn nuôi dài, vì vậy hai vợ chồng bác quyết tâm phát triển nhiều ngành nghề mà lâu dài là trồng rừng.
Thực hiện phương châm đó, lâu dài là trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, còn ngắn ngày là trồng chè, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, một số hoa màu khác và bác đã thành công. Sau 5 năm, từ năm 1995 - 2000 vợ chồng bác đã trồng được gần 20 ha cây keo lá tràm, điều đáng mừng là cây phát triển tốt. Triển vọng đã rõ ràng, hai vợ chồng làm không xuể, bác thuê thêm người và đến năm 2005 cơ bản 35 ha đồi trọc đã được phủ xong toàn keo lá tràm. Sau khi trồng cây xong, tạm gọi là có thời gian vợ chồng bác xây chuồng lợn chăn nuôi. Khó khăn lớn nhất lúc này là điện, để giải quyết khâu này bác quyết định mua 2 tua bin điện chạy bằng sức nước. Về điện cũng mới chỉ được giải quyết từ năm 2000 sau khi bác nhận đấu thầu 5 ha hồ của xã vừa phục vụ nước tưới cho bà con nông dân vừa nuôi cá. Mỗi năm mở rộng một ít và đầu tư thêm một ít, năm 2007 vợ chồng bác bán cây được gần 60 triệu đồng, có thêm vốn vợ chồng bác đầu tư mua thêm 10 con bò và như vậy trong chuồng lúc này đã có 20 con bò, 15 con lợn thịt ... Khi đến thăm trang trại của vợ chồng bác, qua câu chuyện bác cho biết: Ý định của tôi là thuê máy húc san ủi làm một con đường từ ngoài đường nhựa vào để xe ô tô đi lại thuận tiện, chứ không như hiện nay xe máy cũng vất vả, rồi bác còn khẳng định khu vực này chỉ độ 10 năm nữa thôi sẽ trở thành một khu vực sầm uất vì có hồ nước mênh mông, có rừng và đất đai ở đây còn rất nhiều.
Như vậy từ hai bàn tay trắng đến nay, sau 16 năm bác Phạm Văn Mại đã biến từ không thành có, từ nghèo thành giàu. Hiện tại trang trại của vợ chồng bác có 35 ha cây keo lá tràm; 1,5 ha chè công nghiệp; 2 ha sắn cao sản; 5 ha ao thả cá và trăm con gà, hàng chục con bò, con lợn .. bình quân hàng năm bác thu từ 80 - 110 triệu đồng tiền lãi dòng.