00:00 Số lượt truy cập: 2637594

Long An: Ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016

Cùng với tiến bộ khoa học-kỹ thuật được áp dụng, việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao cho nhà nông. Công nghệ góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và tiết giảm chi phí đầu tư so với phương pháp sản xuất truyền thống.




Trồng rau màu trong nhà màng đem lại năng suất cao

Hợp tác xã kiểu mới

Hiện nay, giá thanh long đang ổn định so với cùng kỳ, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và mở rộng sang các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Tuy vậy, giá cả thanh long tại địa phương không bền vững, do quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ, lẻ, thiếu sự liên kết với nhau trong sản xuất, còn chịu tình trạng tư thương ép giá. Bên cạnh đó, chất lượng trái thanh long chưa ổn định, chưa chinh phục được những thị trường khó tính vì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa nhiều.

Để đáp ứng nhu cầu trên, Hợp tác xã (HTX) Thanh long Long Trì ra đời vào tháng 4/2015. Đây là mô hình HTX đầu tiên vận động các thành viên tự nguyện thành lập HTX thanh long trên địa bàn, mang lại nhiều cơ hội cho người trồng thanh long nơi đây.

HTX Thanh long Long Trì có 37 xã viên, với diện tích trồng thanh long là 60ha, tập trung tại xã Long Trì và Dương Xuân Hội (Long An), vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Hoạt động chính của HTX: Sản xuất, kinh doanh trái thanh long trong và ngoài nước; sản xuất và chế biến các sản phẩm từ thanh long; cung ứng vật tư nông nghiệp và các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất thanh long cho nông dân. Để quản lý chất lượng trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX thành lập lực lượng bón phân, xịt thuốc theo quy trình chung và quản lý chất lượng ngay từ khi mới ra hoa đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói.

Nông dân tham gia HTX sản xuất hiệu quả hơn, áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Ảnh: Hồng Anh

Giám đốc HTX Thanh long Long Trì - Lê Minh Chánh, người tâm huyết với nghề trồng thanh long cho biết: “HTX thành lập đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân. Nông dân tham gia HTX sản xuất hiệu quả hơn, được áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thanh long Long Trì, đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm trái thanh long của HTX."

Hơn 1 năm thành lập, HTX Thanh long Long Trì xuất khẩu khoảng 4.000 tấn thanh long, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, HTX chuẩn bị ký hợp đồng với 50 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, trung bình 1 tuần cung cấp khoảng 3-4 tấn thanh long. Thời gian tới, HTX kiện toàn bộ máy, giữ vững quy chế và tinh thần đoàn kết để hoạt động hiệu quả, tạo được lòng tin cho các xã viên. Đặc biệt, năm 2017, HTX sẽ đưa vào hoạt động quy trình sản xuất nước ép thanh long và thanh long sấy khô.

Ông Huỳnh Thái Bình, ở ấp Long Thành, xã Long Trì - xã viên HTX Thanh long Long Trì phấn khởi: “Gia đình tôi có 1,2ha trồng thanh long, trong đó, 0,5ha trồng thanh long ruột đỏ. Trước đây, chúng tôi sản xuất theo quy mô nhỏ, lẻ, chịu cảnh bấp bênh do tư thương ép giá. Khi tham gia HTX, giá thanh long ổn định. Hiện nay, chúng tôi bán được với giá 12.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, 20.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ. Ngoài ra, chúng tôi còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp với giá gốc và được hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Tôi tin rằng, đây là cơ hội để nâng cao giá trị, thương hiệu của trái thanh long, đồng thời tăng thu nhập cho xã viên”.

Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Long Trì - Lê Minh Chánh kiểm tra thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Thành công với công nghệ nhà màng

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Đề tài: "Chuyển giao quy trình công nghệ cao sản xuất rau an toàn", do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ba - Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, chuyên gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau an toàn chuyển giao.

Từ năm 2014-2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được lắp đặt hoàn tất hệ thống nhà màng, gồm: 1 vườn ươm, 2 nhà trồng diện tích 1.500m2, nhà màng kiểu mái hở, thông gió cố định (kiểu nhà nhiệt đới), hệ thống dây treo, hệ thống tưới tự động, máy gieo hạt, máy xay xát giá thể, máy lắp giá thể vào khay,... với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Trên cơ sở đó, trung tâm tiến hành trồng thử nghiệm khoảng 1.300 gốc dưa lưới giống Nhật và Thái Lan, cà bi giống Đài Loan và Thụy Sĩ, dưa leo Hà Lan.

Đến thời điểm này, cà bi đã ra trái, đang trong giai đoạn chín. Trung bình mỗi cây cho trên 100 trái. Ước tính, 1.000m2 sẽ cho sản lượng khoảng 3 tấn khi thu hoạch. Dưa lưới cũng đang cho trái đều và đẹp. Mỗi gốc chỉ tuyển lựa 1 trái nên trái này khi chín có thể đạt trọng lượng 1,5-2kg. Theo tính toán, sau 2,5 tháng (tính từ ngày gieo hạt), dưa lưới sẽ cho thu hoạch, sản lượng 2-2,5 tấn/1.000m2.

Cây trồng trong nhà màng vừa ít sâu, bệnh, vừa mang lại năng suất cao. Ảnh: Mỹ Yến

Qua khảo sát thực tế, cây được trồng trong nhà màng hầu như không mắc phải một số sâu, bệnh hại thường gặp trên cây trồng ngoài ruộng như: Bọ trĩ, sâu ăn lá, sâu vẽ bùa,... Vì vậy, người trồng rau ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trừ những trường hợp đặc biệt khẩn cấp.

Ngoài ra, cây trong nhà màng tiết giảm được công lao động, bởi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được lập trình sẵn, phân bón được hòa vào nước, tự động tưới cho cây khi đến giờ. Giống cây được trồng trong nhà màng sẽ đặc biệt hơn giống sử dụng ngoài đồng ruộng, chẳng hạn, dưa leo đang được trồng thử nghiệm ở đây có khả năng tự ra hoa, đậu trái mà không cần nhờ sự thụ phấn của côn trùng. Chỉ một số giống như cà bi và dưa lưới không có khả năng tự thụ phấn, người trồng phải thụ phấn bằng tay. Nhưng hạn chế này cũng không gây trở ngại gì lớn trong suốt quá trình trồng rau công nghệ cao.

Theo Kỹ sư Nguyễn Thị Hạnh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, công nghệ trồng cây trong nhà màng tiết kiệm 1/3 công lao động nhưng năng suất tăng gấp 1,5-2 lần so với cách trồng truyền thống, hạn chế rất nhiều loại sâu, bệnh hại, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên trồng được nhiều vụ/năm và trồng thâm canh liên tục. Đồng thời, chủ động được các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...) và sản phẩm sau thu hoạch bảo đảm an toàn, đạt chất lượng, kiểm soát được môi trường canh tác. Tuy nhiên, hạn chế của công nghệ này là chi phí cao, nếu trồng 1.000m2 thì chi phí đầu tư từ 300 - 400 triệu đồng cho kiểu nhà kiên cố. Ngoài ra, phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, theo quy trình.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Trồng rau trong nhà màng không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải có lượng kiến thức nhất định và số vốn tương đối lớn để thực hiện. Vì vậy, thời gian tới, cần tiến hành tập huấn và kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trồng rau công nghệ cao bằng hệ thống nhà màng để cung cấp rau sạch ra thị trường, góp phần đưa rau sạch Long An đến được với nhiều thị trường hơn".

Trong bối cảnh nhiều thử thách như hiện nay, trồng rau nhà màng có thể nói là lựa chọn tối ưu, vừa bảo đảm rau sạch theo đúng nghĩa, vừa có giá trị kinh tế cao và an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, đây cũng là một trong những giải pháp tích cực đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, trong đó, rau là 1 trong 4 cây, con được quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Hơn thế, trồng rau trong nhà màng có thể giải quyết được bài toán thích nghi với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng sâu rộng, trong đó, Long An cũng là tỉnh đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự tác động này./.

Thùy Hương - Lê Huỳnh