GS-TS Trần Văn Trị, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cho rằng, ĐBSH có điều kiện địa chất thủy văn và địa chất công trình rất phức tạp, không phải vùng nọ giống như vùng kia. Theo GS Trị trong nhiều “nguy cơ” khi khai thác than ở ĐBSH, vấn đề sụt lún được xem là nghiêm trọng nhất. Ông Trị phân tích: Trữ lượng than khu vực này là 210 tỷ tấn với 100 vỉa than, mỗi vỉa dày vài mét. Cái đáng lo là ở chỗ khả năng sụt lún sẽ không diễn ra ngay lập tức, mà từng bước, mỗi ngày một ít. Và sẽ một ngày nào đó, cả vùng đồng bằng rộng lớn của chúng ta sẽ chìm trong chua mặn. “Phải lưu ý, nền địa chất ở ĐBSH là đất xốp. Nếu có sụt lún xảy ra sẽ không sụt thẳng. Mà giống như việc một ngôi nhà bị sụt, nó sẽ kéo theo nhà bên cạnh, dù ít hơn và dẫn tới một phản ứng dây chuyền sang cả khu vực xung quanh. Chúng tôi gọi hiện tượng này là sụt lan tỏa. Khi ấy, không lường hết được tác hại”, GS Trị lo ngại. Thừa nhận vấn đề trên, TS Nguyễn Thành Sơn, GĐ Cty Năng lượng Sông Hồng cho biết, sụt lún cũng là mối quan tâm lớn nhất của TKV. Trong các giải pháp kỹ thuật, TKV coi toàn bộ địa tầng Đệ tứ (bao gồm mặt đất, đất màu, đất canh tác nông nghiệp, nước mặt, nước ngầm…) với bề dày từ 100 đến 150m là đối tượng cần bảo vệ. “Chính vì coi sụt lún là mục tiêu đặc biệt nên tập đoàn đã đề xuất thử nghiệm cả hai loại hình công nghệ hầm lò và khí hóa than ngầm với các phương án công nghệ nông/sâu khác nhau liên quan đến những hiện tượng sụt lún “tức thời”, “lâu dài”, tại chỗ”, “lan tỏa”…”, ông Sơn nói. Tuy vậy, theo ông Sơn, tầng chứa than của ĐBSH là rất lớn (từ -150 đến –2.000m), đối với các độ sâu khác nhau thì có những giải pháp kỹ thuật cơ bản rất khác nhau. Trên thế giới, người ta phải phân ra các mỏ “nông”, mỏ “sâu” để phân biệt các giải pháp công nghệ đối với cả hai phương pháp hầm lò và khí hóa than. Vì thế, việc lựa chọn công nghệ là rất phức tạp. TS Sơn cũng thừa nhận, trên thế giới hiện mới chỉ có Bangladesh khai thác than tại đồng bằng bằng phương pháp hầm lò, như của Việt Nam đang được thử nghiệm ở ĐBSH. Tuy nhiên, quy mô của họ không lớn, lại do một Cty tư nhân làm nên chưa thể học tập gì từ mô hình này. Tự nhiên sẽ làm thay con người? Diễn giải những lo ngại của giới khoa học rằng, khai thác than ở ĐBSH sẽ làm “rỗng ruột” một khoảng dưới lòng đất, ông Sơn nói, không giống như khai thác than ở Quảng Ninh là lộ thiên, khai thác tại ĐBSH hoàn toàn bằng phương pháp hầm lò. Ở độ sâu từ 450m trở xuống, việc lấy than ra, sau đó bù cát vào là hoàn toàn có thể thực hiện, theo phương án 1m3 than = 1m3 cát. Trong các năm 1998 – 2001, đối tác NEDO của Nhật Bản đã tiến hành khảo sát, thăm dò một phần bể than ĐBSH, thế nhưng họ cũng nói rằng, việc xử lý vấn đề nước ở khu vực này là quá khả năng. NEDO đã rút lui, không tiếp tục kế hoạch sau khi đã bỏ phí 15 triệu USD (giá năm 2001). Phản biện lại, TS Nguyễn Sỹ Qúy, nguyên chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công nghiệp cũ) cho rằng, nền địa chất ở ĐBSH là đất xốp. "Cốt lõi của việc khai thác than ở ĐBSH chính là vấn đề nước. Tính toán cho thấy, lượng nước chảy vào công trình khai thác mỏ sẽ là 20.000 m3/h. Hiện nay, về mặt khoa học, chúng ta chỉ có thể bơm tháo khô được lượng nước 6000 – 10.000 m3/h. Với lượng nước trên 10.000 m3/h, khoa học vẫn đang bó tay, chưa có cách gì xử lý được. Nếu không tháo khô được mỏ, làm sao chúng ta khai thác?". |