00:00 Số lượt truy cập: 2677493

Lúa vàng đồng trên đất nuôi tôm 

Được đăng : 03/11/2016
Sau hơn 8 năm chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, đây là lần đầu tiên nông dân Bạc Liêu, Cà Mau quay lại trồng lúa trên đất nuôi tôm với diện tích tăng vọt.

 

Trong khi con tôm đang bấp bênh kể cả năng suất và giá cả thì cây lúa dẫu giá có thấp, nhưng cũng làm ấm lòng người nông dân trước thềm năm mới.

Nụ cười trên đồng mặn


Ông Trần Văn Đởm - ngụ xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) quay lại trồng lúa sau 8 năm chuyển đổi sản xuất từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. 7 công đất sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đầu tiên đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Ông nhẩm tính, 1 công được 26 giạ, trừ chi phí còn lãi hơn 1,5 triệu đồng.

Không giấu được niềm vui, ông nói: "7 công lúa này mới gặt mà người ta đã hỏi mua hết rồi đó. Họ mua chủ yếu để làm giống cho vụ sau".

Khi ông Đởm cấy lúa trên đất nuôi tôm của mình, nhiều người cho rằng ông bị điên vì nước mênh mông, 1 năm có 4 tháng ngọt làm sao lúa phát triển được? Đến khi lúa chín vàng đồng, mà tôm dưới ao ông vẫn thu hoạch đều đều mỗi đêm vài trăm ngàn đồng, người ta mới giật mình nhận ra đã đi sau ông Đởm một bước.

Ông Nguyễn Thành Chơn - ngụ xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hoà Bình (Bạc Liêu), sau nhiều năm nuôi tôm thất bại quyết định ủi đất, lên bờ bao sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Điều khá bất ngờ là ngay năm đầu tiên, ông thu hoạch hơn 20 giạ lúa/công.

Ông cho biết: "Năm nay, mưa nhiều nên thuận lợi cho việc trồng lúa trên đất nuôi tôm. Tôi dự định năm sau sẽ trồng lúa hết diện tích".

Xã Vĩnh Mỹ A không thuộc diện quy hoạch sản xuất lúa - tôm, nhưng trước những khó khăn của con tôm, người dân đã tự phát trồng hơn 40ha lúa trên đất nuôi tôm.

Tại huyện Giá Rai, dù không nằm trong bản đồ quy hoạch sản xuất lúa - tôm của tỉnh Bạc Liêu, nhưng toàn huyện đã có hơn 2.300ha trồng lúa trên đất nuôi tôm và ngay trong vụ lúa đầu tiên này, năng suất đạt hơn 3,5 tấn/ha.

 
Thu hoạch trên đất nuôi tôm tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau.


Sự quay lại ngọt ngào

Theo quy hoạch sản xuất lúa trên đất nuôi tôm năm 2008, toàn tỉnh Bạc Liêu chỉ đề ra 19.000ha, nhưng nông dân sản xuất hơn 23.500ha. Trước đó đã từng xảy ra tình trạng này: Năm 2006 quy hoạch 12.000ha, nông dân sản xuất 15.000ha; năm 2007 quy hoạch 15.000ha, nông dân sản xuất trên 20.000ha. Sự thay đổi quy hoạch là tín hiệu vui.

Ông Phan Minh Quang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho biết: "Theo quy hoạch, vùng nam QL1A của tỉnh là vùng chuyên tôm, nhưng trước diễn biến không thuận lợi của con tôm, vùng nào người dân trồng lúa trên đất nuôi tôm được, chúng tôi vẫn khuyến khích người dân sản xuất".

Tại Cà Mau, năm 2008 diện tích lúa trên đất tôm tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Theo ghi nhận của Sở NNPTNT, toàn tỉnh gieo cấy hơn 43.400ha, tăng hơn 400% so với năm 2007. Hiện trà lúa này, nông dân đang thu hoạch rộ, năng suất trung bình đạt 3,7 tấn/ha. Một số nơi ở các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi... lần đầu tiên sản xuất lúa trên đất nuôi tôm cho thu hoạch khá.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Cà Mau, sự quay lại trồng lúa của nông dân là biểu hiện tích cực trong sản xuất; tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; cải tạo đáng kể môi trường, cân bằng sinh thái...

Để ổn định mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, năm 2009, Cà Mau sẽ tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất, phát động nông dân lên bờ bao, phân ô thuỷ lợi để vừa phục vụ nuôi tôm, vừa phục vụ trồng lúa.

Con tôm sú ĐBSCL năm nay đang gặp khó đầu ra, người nuôi tôm đứng trước nguy cơ giảm thu nhập; môi trường tôm nuôi bị ô nhiễm. Trồng lúa trên đất nuôi tôm không những giúp giải quyết bài toán môi trường, cân bằng sinh thái, mà hơn thế, góp thêm phần thu nhập đáng kể cho nông dân.