Đầu năm 2009, ông Thắng quyết định bỏ nghề làm gạch ngói chuyển sang nuôi nhím. ông kể: “Sau khi nghiên cứu tài liệu sách báo về đặc tính của nhím và đi thăm một vài trại nhím điển hình, tháng 4/2009, tôi quyết định mua 5 đôi nhím tại trại nhím ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Thấy nhím phát triển tốt, tôi tiếp tục ra Bắc tìm mua thêm 10 đôi. Tính cả tiền xây dựng chuồng trại và mua giống thì số vốn tôi bỏ ra lên đến 300 triệu đồng. Khi đó mọi người đều bảo tôi liều bởi 300 triệu là cả gia tài mà gia đình tôi chắt chiu mới có. Trong vùng lại chưa có ai nuôi nhím, tôi là người đi tiên phong nên rất khó khăn”.
Khu trang trại nhím của ông Thắng được xây dựng trên diện tích gần 2 sào, gồm 2 dãy chuồng và lối đi ở giữa. Mỗi dãy ông chia ra 30 ngăn, mỗi ngăn khoảng 1,5m2. Tất cả các ngăn đều được ông Thắng đánh số cẩn thận để theo dõi và ghép giống.
Sự mạnh dạn đầu tư của ông cuối cùng cũng đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Từ 15 đôi nhím giống ban đầu, hiện trại nhím của ông đã có gần 60 đôi đang sinh sản. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Thắng khoe: “Mẹ con đôi nhím này có người trả 100 triệu đồng mà tôi chưa bán. Đây là một trong những cặp nhím sinh sản hiệu quả nhất nên nhiều người muốn mua lại”.
Chỉ tính riêng năm 2010, ông bán được gần 20 đôi nhím giống với giá trung bình 16 -17 triệu /đôi, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng. Ông dự kiến, với tốc độ phát triển trại nhím như hiện nay, năm 2011, sẽ thu lãi trên 300 triệu đồng. Theo ông Thắng, sở dĩ nuôi nhím đạt hiệu quả và nhanh lời là do: “Nhím có sức đề kháng cao, ít gặp rủi ro về dịch bệnh, thức ăn của chúng khá đa dạng, sẵn có, giá rẻ, trung bình 1 con nhím trưởng thành mỗi ngày chỉ tốn khoảng 2kg thức ăn, tính ra chưa hết 3.000 đồng. Nhím cũng không tốn thời gian chăm sóc như các loại vật nuôi khác, chỉ cần vệ sinh chuồng trại mỗi ngày 1 lần và nhất là đầu ra rất thuận lợi”.
Khi được hỏi về kỹ thuật chọn con giống, ông Thắng nói: “Điều quan trọng nhất đối với con giống là tránh ghép các cặp đôi cùng huyết thống, bởi nếu cùng huyết thống chúng sẽ không phát triển được và sinh bệnh. Cái khó thứ hai là ghép giống nhím, mình phải có kỹ thuật để ghép sao cho hoà hợp và chúng không cắn nhau”.
Chỉ sau 2 năm, mô hình nuôi nhím của ông Thắng đã nổi tiếng khắp vùng, được nhiều người tìm đến tham quan học tập, đây cũng là mô hình nuôi nhím lớn nhất nhì xứ Nghệ. “Tôi đi trước thành công rồi nên sẵn sàng tư vấn giúp đỡ bà con trong vùng để cùng nhân rộng mô hình”, ông Thắng tâm sự.