00:00 Số lượt truy cập: 2671023

Manh nha nghề trồng đào ở Thanh Đình 

Được đăng : 03/11/2016

Đã trở thành một truyền thống đẹp của người Việt Nam, mỗi độ Tết đến Xuân về dù no hay đói, trong mỗi gia đình cũng đều có cành đào, cành mai tươi thắm. Mấy chục năm gần đây đất nước chuyển mình, kinh tế khá giả, người ta không còn nặng nề về cái ăn, cái mặc ngày Tết nữa mà chuyển sang xu hướng vui chơi là chính.


Vì vậy cây đào, cây quất đã trở thành nhu cầu không thể thiếu. Nhưng để có một cành đào vác vai hay một gộc đào thế được bày bán mà chúng ta thường hay gặp vào các buổi chợ cuối năm là cả một sự vất vả của những người làm ra nó. Mới đây khi về làm việc với xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, chúng tôi được biết cây đào đã và đang trở thành cây thu nhập cao của một số hộ gia đình ở đây.

Chị Phạm Thị Bính cán bộ văn phòng UBND xã đưa tôi đến thăm mô hình trồng đào nhà ông Phạm Quyết Chí - bố đẻ của chị ở khu 6 - lúc ông đang nhanh tay vặt lá bên những cây đào mà trên đó lá khá dày. Ông bảo: Đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc làm cho hoa đào nở vào đúng dịp Tết hay không, tất nhiên nó còn phải phụ thuộc vào vấn đề thời tiết, khâu chăm bón… Nếu ngắt lá sớm quá nó sẽ ủ nụ và gặp thời tiết ấm, đào sẽ nở bung trước Tết và ngược lại nếu ngắt lá muộn đào sẽ chờ cho Tết xong mới nhẹ nhàng mở những cánh hoa tươi thắm ra. Mà lúc đó thì chỉ có vài con o­ng mật đến… ngắm. Cho nên người trồng đào phải xem lịch (mà tính ngày âm) để có động thái trút bỏ lá trước từ 55 – 60 ngày tính đến thời điểm bung hoa. Thường thì người trồng đào muốn đào nở rộ từ khoảng 25 tháng chạp đến khoảng mùng 2 tháng giêng nên căn cứ vào đó người ta có kế hoạch điều chỉnh để bán từng ngày. Hoa đào là loại hoa lâu tàn, có thể tươi từ 10 – 15 ngày nên việc điều chỉnh nở vào dịp đó là hoàn toàn phù hợp.

Ông Chí là người không phải sinh ra từ đất trồng đào mà chỉ từ một vài cây đào được một người bạn cho để chơi tết, thấy đẹp ông không nỡ bỏ mà đem trồng thử và mày mò học bạn cách chăm sóc để giữ lại. Lâu dần thành quen, nhưng cũng phải đến hơn chục năm ông mới hiểu được đặc tính của cây đào và tình nguyện gắn bó với nó. Ông bảo nghề trồng đào là một nghề rất vất vả mang lại rủi ro cao. Khi mọi người còn đang lâng lâng với men say của đất trời vào xuân thì người trồng đào đã phải lăn lưng ra cuốc đất, đào hố, gánh phân để đặt mạ đào. Người ta không thể đem những cành đào đã chơi tết xong về trồng lại được, vì thế phải có giống để kế tiếp, đó là những cành đào dại – hay còn gọi là hom - nhỏ bằng cây đũa mà trên đó đã được ghép những mắt đào bích, đào phai, đào kép… từ cách đó một năm. Gọi là mạ vì sau khi ghép người ta trồng nó rất dày, khi đã bén rễ, các hom đào vươn lên như những cây xoan non, thẳng tắp. Chờ cho Tết xong mới bứng từng bầu ra bán cho người trồng đào. Lúc này người trồng đào mới đặt “mạ” ở khoảng cách từ 1,2 x 1,2 mét cho mỗi chiều để tiện cho việc khép tán sau này. Trước khi đặt phải cắt bỏ phần ngọn chỉ lấy từ đoạn ghép lên khoảng 20 phân. Sau 1 đến 2 tháng khi cây lên được 50 phân mới bắt đầu tạo tán. Muốn tạo tán phải ngắt ngọn liên tục, ép nó phải đâm ra những cành nhánh, khi đã áng chừng có từ 50 – 60 cành nhỏ thì tạm dừng công việc tạo tán tập trung chăm bón mạnh cho đến khi trút lá.

Khi công việc trút lá đã xong là thời gian được gọi là “kích đào”, đây là lúc cần sự chăm bón mạnh để đào ủ nụ nhưng phải nghe ngóng thời tiết mà điều chỉnh. Thời tiết ấm, lượng phân nhiều, đào sẽ ủ nụ nhanh, phải có kế hoạch “hãm”. Hãm đào bằng cách khoanh xung quanh thân nó phần vỏ là nơi vận chuyển chất dinh dưỡng từ gốc lên, ngược lại nếu nhiệt độ quá thấp, phải ủ ấm, che đậy để tránh rét. Đào là loại cây tương đối khó tính vì nó chịu hạn, chịu úng kem, khô quá thì cây không phát triển mà nhiều nước qua thì cây dễ chết. Cho nên độ ẩm ở gốc đào luôn phải được kiểm tra kỹ, ngoài ra kỹ thuật bón phân cũng phải hợp lý. Như vậy muốn có một cành đào nho nhỏ xinh xinh thì những người làm đào cũng phải mất đến 2 năm, ghép và ươm mạ 1 năm và trồng đào 1 năm. Còn muốn có một cây đào thế phải có thời gian từ 4 – 5 năm, cây đẹp gốc to xù xì có đường kính từ 10 phân trở lên có khi phải chục năm. So với một cành đào có giá bình quân từ 30 – 40 ngàn đồng và 150 ngàn trở lên với một cây đào thế thì đào là một loại hàng hoá rẻ nhất. Cũng theo anh Chí thì đào Thanh Đình có màu đẹp tươi thắm không kém gì so với đào Nhật Tân, Hưng Yên…

Năm 2007 với hơn 3 sào đất vườn, gia đình ông Chí trồng gần 1.000 cây đào, Tết Mậu Tý vừa qua ông bán được 500 cành và 100 gốc đào thế, còn lại ông để tạo thế gối cho những năm sau. Theo ông thì cứ mỗi sào đất trồng được 300 cây, tính ra chỉ thu từ việc bán đào cành bỏ rẻ cũng được 9 triệu đồng, (chưa kể đào thế) hơn rất nhiều so với trồng cây ăn quả hay sắn, mà chi phí lại không cao. Hiện nay gia đình ông Chí đang chuyển hướng thu nhập chính sang cây đào. Ông Chí cũng đang hy vọng mùa đào năm nay sẽ có giá vì trận mưa lụt hồi tháng 10 vừa qua các tỉnh trồng đào vùng đồng bằng bắc bộ bị ngập sâu trong nước nhiều ngày, nhiều vườn đào đã bị chết. Ông đang có kế hoạch sẽ vận chuyển đào về xuôi để bán. Cũng tại thời điểm cuối tháng 10 vừa qua đã có một số cơ quan đến đặt hàng nhà ông cho Tết Kỷ Sửu.

Theo thống kê của UBND xã cho biết thì hiện nay đã có hàng chục hộ gia đình đã chuyển sang trồng đào cảnh. Năm 2007 toàn xã có khoảng 7 – 8 ngàn gốc đào được thu hoạch, năm 2008 chắc chắn con số này cao hơn rất nhiều - ông Hoàng Văn Hoằng, phó chủ tịch phụ trách khối kinh tế xã nhấn mạnh và khẳng định đây sẽ là một nguồn thu không nhỏ. Và ông cũng cho biết thêm toàn xã hiện có khoảng 80 ha đất giáp cư có thể quy hoạch trồng đào. Nghị quyết của hội làm vườn Thanh Đình cũng đã báo cáo có kế hoạch đưa cây đào trở thành cây hàng hoá mũi nhọn ở địa phương. Tuy nhiên cần phải lập dự án trình để được trên giúp đỡ về giống, vốn, chuyển giao KHKT… mới hy vọng thương hiệu đào Thanh Đình.